Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển trong năm nay đã được cải thiện 0,5% điểm, nhưng điều này được bù đắp đúng bằng với tỷ lệ điều chỉnh giảm đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển do sự tụt hạng đáng kể của khu vực châu Á mới nổi.
Đối với các nền kinh tế phát triển, IMF dự báo tăng trưởng cho các nước này sẽ ở mức 5,6% trong năm 2021, tăng so với dự báo 5,1% được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, đối với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nhóm này giảm xuống còn 6,3% so với mức tăng trưởng 6,7% được đưa ra hồi tháng 4. Đối với năm 2022, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 4,9%, tăng so với dự báo được đưa ra trước đó là 4,4%.
Báo cáo cho biết dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu không thay đổi so với dự báo công bố hồi tháng 4, song Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn cả, khoảng 7% nhờ gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính quyền Tổng thống Joe Biden và chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi. IMF cũng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2022 sẽ là 4,9%, tăng so với mức 3,5% được đưa ra trước đó.
IMF cũng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 8,1% sau khi chính phủ nước này cắt giảm đầu tư và thắt chặt chi tiêu.
Nhà Kinh tế trưởng IMF, bà Gita Gopinath cho rằng cần thúc đẩy phân phối và cung cấp vaccine cho các quốc gia nghèo. Theo bà Gopinath, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn sẽ còn nhiều bất ổn cho đến khi đại dịch bị đẩy lùi. Bà kêu gọi, các quốc gia giàu có nhanh chóng thực hiện cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia đang phát triển.
Đối với 19 quốc gia thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozonne), IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu của khối này sẽ là 4,6% trong năm 2021.
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của Canada và Anh lên mức lần lượt 6,3% và 7%. Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ tăng 2,8% do sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, IMF hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ còn 9,5% trong bối cảnh quốc gia này đang ứng phó với tình trạng số ca nhiễm vẫn ở mức cao.
Trong bản báo cáo cập nhật, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay cho khu vực châu Á mới nổi. Theo đó, khu này sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, giảm 1,1% so với dự báo trước đó được đưa ra vào hồi tháng 4. IMF cũng hạ 0,4% điểm cho dự báo đối với các nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu.
Tại khu vực Đông Nam Á, IMF dự báo tăng trưởng cho Indonesia hạ 0,4% xuống còn 3,9%; Malaysia hạ 1,8 % xuống còn 4,7%; Philippines hạ 1,5 % xuống còn 5,4% và Thái Lan hạ 0,5% xuống còn 2,1%.
Ngoài đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu 2021, IMF cũng cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ là mối nguy đối với kinh tế thế giới. Quỹ này cũng chỉ rõ, tình trạng lạm phát gia tăng gần đây là hậu quả của tình hình dịch bệnh tái bùng phát và việc giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang có thể còn kéo dài. Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath cảnh báo, biến thể siêu lây nhiễm Delta có thể làm chệch hướng phục hồi và có thể tiêu tốn tới 4.500 tỷ USD giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2025.
Tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6%, tốc độ phục hồi nhanh nhất từ bất kỳ cuộc suy thoái toàn cầu nào trong vòng 80 năm qua mà phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ từ một số nền kinh tế lớn.
Báo cáo của WB cho rằng, chương trình tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp kích thích kinh tế ở các nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Kinh tế thế giới năm ngoái đã sụt giảm 3,5% sau khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động thương mại và buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân phải ở nhà.
Cũng theo báo cáo, WB cho biết, bất chấp kinh tế toàn cầu đang cho thấy dấu hiệu phục hồi thì các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với đại dịch COVID-19 và hậu quả mà nó gây ra./.