Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa được công bố, IMF cho biết tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 có thể chỉ đạt 5,8%, thấp hơn con số dự báo cho năm 2019 là 6,1%. Cũng theo dữ liệu được IMF công bố, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2018 là 6,6%.
“Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại bắt đầu từ vài năm về trước”, ông Tao Zhang, Phó Tổng giám đốc của IMF cho biết bên lề cuộc họp thường niên của Ngân hàng thế giới (World Bank) và IMF tại Washington ngày 19/10.
“Trong những năm gần đây, chúng ta đang phải đối mặt với các căng thẳng thương mại, các bất ổn địa chính trị trên toàn thế giới đang tạo áp lực đối với nền kinh tế Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Zhang, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 6% là “hợp lý” trong bối cảnh Trung Quốc đang tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển theo hướng bền vững hơn. Điều này có nghĩa nền kinh tế sẽ tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa thay vì vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng. “Quá trình chuyển đổi như trên sẽ khiến kinh tế giảm tốc, tuy nhiên tăng trưởng sẽ đạt chất lượng cao hơn”, ông cho biết thêm.
Ngày 18/10, Trung Quốc cho biết GDP quý III của nước này tăng 6%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I năm 1992.
“Bạn không thể kỳ vọng vào việc bất kể nền kinh tế có quy mô như thế nào đều tăng trưởng liên tục ở mức 10%, 7% hay 8%. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đang bàn về tăng trưởng kinh tế với chất lượng tốt hơn và bền vững hơn”, ông Tao Zhang cho biết. “5,8% hoặc bất kỳ con số nào trong khoảng này, tôi nghĩ đều hợp lý cả”.
Nhận định tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc năm 2020 được IMF đưa ra trái ngược với dự báo phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu mà cơ quan này đưa ra trong báo cáo.
Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ phục hồi ở mức 3,4% vào năm 2020 sau khi sụt giảm từ mức 3,6% trong năm 2018 xuống còn 3% vào năm 2019, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008 mà nguyên nhân được cho là do bất ổn từ thương chiến Mỹ - Trung.
Ưu tiên chính sách hiện tại là dỡ bỏ rào cản thương mại bằng các thỏa thuận bền vững và kiềm chế căng thẳng địa chính trị, IMF cho biết trong báo cáo. Những động thái này có thể kéo niềm tin lên cao, kích thích đầu tư, chặn lại đà giảm thương mại và sản xuất, cũng như đẩy cao tăng trưởng toàn cầu../.
Hoài Hà (Theo CNBC, Reuters)