IMF dự báo lạm phát đạt đỉnh vào cuối năm 2021 

(ĐCSVN) - Ngày 6/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tình trạng lạm phát tăng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ đạt đỉnh trong những tháng tới và sẽ giảm về mức trước đại dịch vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, IMF cảnh báo nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do sự thiếu hụt nguồn cung.
IMF dự báo lạm phát đạt đỉnh vào cuối năm 2021

Trong một chương phân tích của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới có tiêu đề "Nỗi sợ lạm phát" vừa được IMF công bố, tại các nền kinh tế phát triển, lạm phát toàn phần sẽ đạt đỉnh ở mức 3,6% vào những tháng cuối năm 2021 và giảm về mức khoảng 2% vào giữa năm 2022. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ chứng kiến lạm phát giảm xuống khoảng 4% vào năm 2022 sau khi đạt đỉnh 6,8% vào cuối năm nay.

Báo cáo nêu rõ: “Giá nhà ở tăng mạnh và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đầu vào kéo dài ở các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển, đồng thời áp lực giá lương thực kéo dài và tiền tệ mất giá ở các thị trường mới nổi có thể khiến lạm phát tăng cao hơn”.

Giá cả trên toàn cầu đã tăng mạnh trong năm 2021 khi các nền kinh tế lần lượt dần nối lại hoạt động sau thời gian gián đoạn vì tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Báo cáo cho biết, giá lương thực toàn cầu đã tăng 40% kể từ khi đại dịch bắt đầu đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các nước thu nhập thấp.

Tuy nhiên, IMF lưu ý báo cáo vẫn có điểm chưa chắc chắn và cảnh báo các chính phủ cần cảnh giác trước nguy cơ lạm phát có thể là vô hại khi xem xét riêng lẻ nhưng khi kết hợp sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự báo.

IMF cho biết, kỳ vọng lạm phát có xu hướng được duy trì tốt ở các quốc gia có các ngân hàng trung ương độc lập có chính sách tiền tệ đáng tin cậy và được truyền đạt thông tin tốt. Lạm phát gia tăng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, thường đi kèm với việc tiền tệ mất giá mạnh; trong khi ở các nền kinh tế phát triển thường bị thâm hụt tài khóa lớn. IMF phát đi cảnh báo rằng, nguy cơ lạm phát sẽ không chỉ xảy ra nhất thời và hối thúc các ngân hàng trung ương phải có hành động sớm.

Ngày 5/10 vừa qua, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng lạm phát là một trong những trở ngại trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau thời gian suy giảm vì tác động của đại dịch COVID-19, và đây là lý do khiến IMF điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021.

Trước đó, IMF dự báo, tăng trưởng toàn cầu vẫn giữ nguyên ở mức 6% cho năm 2021, nhưng chênh lệch ngày càng lớn giữa các nền kinh tế phát triển với nhiều thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Đối với các nền kinh tế phát triển, IMF dự báo tăng trưởng cho các nước này sẽ ở mức 5,6% trong năm 2021. Tuy nhiên, đối với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nhóm này ở mức 6,3%. Đối với năm 2022, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ là 4,9%. Tuy nhiên, triển vọng này còn phụ thuộc vào các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. 

Nhà Kinh tế trưởng IMF, bà Gita Gopinath cho rằng cần thúc đẩy phân phối và cung cấp vaccine cho các quốc gia nghèo. Theo bà Gopinath, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn sẽ còn nhiều bất ổn cho đến khi đại dịch bị đẩy lùi.

Theo bà Gita Gopinath, biến thể siêu lây nhiễm Delta có thể làm chệch hướng phục hồi và có thể tiêu tốn tới 4.500 tỷ USD giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2025./.

 
H.Hà (Theo Reuters, AP)
415 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 823
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 823
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87117684