IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản 

(ĐCSVN) – Ngày 6/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Nhật Bản, đồng thời thúc giục các nhà hoạch định chính sách cân nhắc chuẩn bị kế hoạch đối phó trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang làm chệch hướng sự phục hồi nền kinh tế vốn mong manh này.
IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản

IMF cho biết, trong khi giá hàng hóa tăng có thể đẩy lạm phát leo thang, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cần phải duy trì chính sách siêu lỏng trong thời gian dài để đạt được mục tiêu lạm phát ở mức 2%.

Theo IMF, “cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang gây ra những rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế Nhật Bản”, đồng thời chỉ ra những tác động tiêu cực lên lĩnh vực thương mại cũng như lưu ý rằng, giá hàng hóa tăng cao có thể kìm hãm nhu cầu trong nước.

Tổ chức tài chính này cho rằng, trong bối cảnh sự bất ổn đang gia tăng bao gồm đại dịch và xung đột ở Ukraine, các nhà chức trách có thể xem xét về một kế hoạch dự phòng trong trường hợp nền kinh tế phải  đối mặt với một cú sốc nghiêm trọng.

IMF dự kiến nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo 3,3% được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước có thể sẽ chậm lại do giá cả hàng hóa tăng cao cùng với đó là căng thẳng địa chính trị và tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự kiến của Trung Quốc là một rủi ro lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản.

Về giá cả, IMF cho biết Nhật Bản có thể sẽ chứng kiến đà lạm phát tăng lên khi giá hàng hóa cao hơn và tiêu thụ dự kiến sẽ phục hồi khi các ca nhiễm COVID-19 giảm sút.

IMF lặp lại khuyến nghị của mình đối với BOJ rằng, quốc gia này có thể xây dựng đường cong lợi suất bằng cách nhắm mục tiêu kỳ hạn ngắn hơn lợi suất 10 năm hiện tại để có một chính sách bền vững hơn.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda mới đây cũng nhấn mạnh căng thẳng leo thang tại Ukraine là một rủi ro mới đối với dự báo của Ngân hàng Trung ương về triển vọng phục hồi nền kinh tế. Ông Haruhiko Kuroda cho rằng: “Căng thẳng  leo thang tại Ukraine đã làm tăng giá nhiên liệu và hàng hóa, điều này có thể có những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu và Nhật Bản không phải ngoại lệ”.

Trước đó, ngày 9/3 vừa qua, Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng đã công bố số liệu chính thức về tình hình kinh tế nước này trong quý IV/2021.

Theo đó, cơ quan này đã công bố số liệu chính thức về tình hình kinh tế nước này trong quý IV/2021, theo đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước đó, thấp hơn 0,8%  so với con số ước tính ban đầu mà cơ quan này công bố hồi trung tuần tháng 2.

Tính cả năm 2021, GDP thực tế của Nhật Bản chỉ tăng 1,6%, thấp hơn 0,1% so với ước tính ban đầu./.

 
H.Hà (Theo Reuters, nippon.com)
294 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 564
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 564
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77421549