Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo trên trong bản Báo cáo bình ổn tài chính toàn cầu mới nhất, công bố ngày 9/10.
Trong báo cáo này, IMF chỉ rõ "những điểm yếu mới" đã xuất hiện, trong khi khả năng chống đỡ của hệ thống tài chính toàn cầu trước những rủi ro vẫn chưa được kiểm chứng.
[Mỹ dọa tiếp tục áp thuế với lượng hàng hóa 267 tỷ USD của Trung Quốc]
IMF quan ngại khi các nền kinh tế "tỏ ra chủ quan" về các nguy cơ tiềm tàng có thể phát sinh từ những tình huống đột ngột như tăng lãi suất hoặc giảm quyền tiếp cận vốn.
Hiện tình hình các nền kinh tế đang nổi đang trở thành mối quan ngại hàng đầu của IMF, đặc biệt là đối với Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước có nợ công nước ngoài lớn buộc phải tăng mạng lãi suất trong vài tháng gần đây. Argentina đã hai lần yêu cầu vay nợ của IMF, với khoản vay mới nhất được thông qua là 57 tỷ USD trong thời gian 3 năm.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách đối phó với việc giá trị đồng nội tệ sụt giảm.
Việc các nước phát triển tăng lãi suất sẽ khiến các nhà đầu tư chuyển sang các kênh đầu tư khác để thu lãi, do đó IMF khuyến cáo các nền kinh tế đang nổi có biện pháp bảo vệ chính mình trước nguy cơ mất đi các nguồn tài chính.
Cũng theo báo cáo trên, hệ thống tài chính thế giới đang đối mặt các nguy cơ liên quan đến nợ doanh nghiệp tăng cao, các khoản nợ xấu mất khả năng thanh toán tăng lên và mức nợ công vượt trội.
Liên quan căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, IMF cho rằng điều này đã trực tiếp tác động đến một số lĩnh vực riêng biệt, hơn là đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng chính sách tăng thuế quan và các biện pháp đáp trả mà một số nước đang thực hiện nay "có thể dẫn tới hoạt động siết chặt mạnh mẽ hơn đối với các điều kiện tài chính" - yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu và sự ổn định của hệ thống tài chính./.