Đây là nhận định của Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Trương Đào (Tao Zhang).

Phát biểu tại cuộc họp của Hiệp hội Kinh tế quốc gia Mỹ diễn ra ở Cleverland (Cle-vơ-len), bang Ohio (Ô-hai-ô), ông Trương cho biết gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính, nền kinh tế toàn cầu đang dần đi lên. Việc các khoản vay khẩn cấp của IMF không còn được huy động nhiều như trước đây là một tín hiệu cho thấy nhiều quốc gia đã bắt đầu ổn định tình hình tài chính. Dự báo tăng trưởng toàn cầu do IMF công bố hồi thàng 7 cho thấy trong năm 2017, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3,5%, cải thiện hơn so với mức 3,2% của năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3,6% vào năm 2018. Ông Trương cho rằng tăng trưởng dương là một tin tốt, song xét về mặt bằng chung trong suốt quá trình thì đây là mức tăng trưởng yếu.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do năng suất lao động chậm cải thiện, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng sâu sắc, trong khi tăng trưởng lương yếu kém do lạm phát thấp cũng là một yếu tố. Tại Mỹ, mức thu nhập hiện nay của hơn 50% số hộ gia đình được cho là thấp hơn mức thu nhập từ năm 2000. Trong khi, khoảng 2/3 số hộ gia đình ở quốc gia này bị đẩy khỏi tầng lớp trung lưu, rơi vào diện có mức thu nhập thấp nhất trong bảng phân chia thu nhập (chưa đến 50% mức thu nhập bình quân ở quốc gia này). Đột phá công nghệ đã định hình lại thị trường lao động và sản xuất nhưng năng suất lại không được cải thiện rõ rệt. Không những thế, tình trạng phân cực thu nhập lại càng thêm sâu sắc trong thời đại máy móc được huy động để thay thế sức lao động. Chính sự phân hóa sâu sắc về thu nhập là yếu tố khiến sức tiêu dùng toàn cầu giảm khoảng 3,5% trong vòng 15 năm qua. Bên cạnh đó, mức tăng lương trong nhiều năm qua vẫn ì ạch, một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm phát thấp cũng khiến nền kinh tế thiếu động lực phát triển. Và cũng chính tình hình này tạo điều kiện cho chủ nghĩa bảo hộ sản xuất nội địa và chủ nghĩa dân túy bùng nổ tại các quốc gia phương Tây.

Qua đây, ông Trương kêu gọi thiết lập các chương trình hỗ trợ xã hội đối với những nhóm đối tượng cụ thể, tập trung tăng cường giáo dục và dạy nghề, nâng mức lương tối thiểu, hỗ trợ chăm sóc trẻ em, mức chi trả cho những lao động buộc phải nghỉ để chăm sóc người thân trong gia đình và hỗ trợ thuế cho người nghèo để bù vào mức bất bình đẳng thu nhập./. 

Theo TTXVN