ILO: Thế giới mất đi hơn 250 triệu việc làm trong năm 2020 

Năm 2020, thế giới mất đi 255 triệu việc làm toàn thời gian, gần gấp 4 lần số việc làm bị giảm sút trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.
ILO: Thế giới mất đi hơn 250 triệu việc làm trong năm 2020

Ngày 25/1, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất lớn cho thị trường việc làm toàn cầu, khiến thế giới mất khoảng hơn 250 triệu việc làm trong năm 2020.

Cụ thể, trong nghiên cứu mới nhất, Tổ chức Lao động quốc tế chỉ ra tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới đã giảm 8,8% trong năm 2020, so với chỉ riêng quý IV/2019. Điều này đồng nghĩa rằng năm 2020, thế giới mất đi 255 triệu việc làm toàn thời gian, gần gấp 4 lần số việc làm bị giảm sút trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. ILO cho biết với thời lượng lao động bị sụt giảm như vậy, thu nhập lao động toàn cầu cũng giảm 8,3%, tương đương khoảng 3.700 tỷ USD, hoặc 4,4% GDP toàn cầu.

Tổ chức Lao động quốc tế giải thích rằng khoảng một nửa số giờ làm việc bị cắt giảm kể trên là số giờ làm việc bị rút ngắn của những người lao động vẫn giữ được việc làm. Tuy nhiên, trong năm 2020, số lượng người mất việc làm tăng cao chưa từng có. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng 1,1% (thêm 33 triệu người đã mất việc làm) lên tổng số 220 triệu người và tỷ lệ người không có việc làm toàn cầu là 6,5%.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Guy Ryder, đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà thị trường việc làm toàn cầu trải qua kể từ thời kỳ Đại suy thoái xảy ra những năm 1930. Ông Ryder nhấn mạnh vẫn còn khoảng 81 triệu người khác không đăng ký vào diện thất nghiệp nhưng đã bị loại khỏi thị trường lao động.

Trong số này có những người không thể đi làm vì các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan hoặc vì nghĩa vụ với xã hội hoặc họ không còn muốn tìm việc làm. Điều này có thể dẫn tới những hệ lụy như người lao động mất đi kỹ năng, tài năng và năng lượng, gây tổn thất cho gia đình và toàn xã hội.

[Gần 70% người lao động bị giảm thu nhập vì dịch COVID-19]

Tổ chức Lao động quốc tế chỉ ra tác động không đồng đều của đại dịch với những người lao động trên thế giới, đặc biệt nghiêm trọng hơn với những người lao động là phụ nữ và trẻ tuổi. Trên toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới trong năm 2020 là 5% trong khi ở nam giới là 3,9%.

Phụ nữ thường làm việc ở những lĩnh vực kinh tế chịu tác động mạnh hơn và cũng phải đảm nhận thêm nhiều công việc trong thời gian đại dịch như chăm sóc trẻ em phải nghỉ học ở nhà. Những lao động trẻ tuổi hơn cũng có nguy cơ mất việc làm cao hơn nhiều. Trên toàn cầu, tỷ lệ mất việc làm trong nhóm lao động độ tuổi từ 15-24 là 8,7%, cao hơn đáng kể so với mức 3,7% ở nhóm lao động có độ tuổi cao hơn.

Nhiều người trẻ tuổi cũng e ngại gia nhập thị trường lao động trong bối cảnh thị trường nhiều biến động. Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng đây thực sự là một nguy cơ "thực tiễn" về một thế hệ "mất định hướng" do tác động của đại dịch COVID-19.

Báo cáo mới của Tổ chức Lao động quốc tế cũng chỉ ra đại dịch tác động không đồng đều tới các lĩnh vực khác nhau, trong đó các dịch vụ ăn uống và lưu trú chịu tác động mạnh nhất, với tỷ lệ việc làm sụt giảm tới 20%. Ngược lại, việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và liên lạc, tài chính và bảo hiểm lại tăng.

Dù đã có những loại vắcxin phòng bệnh được chứng minh là an toàn và hiệu quả làm dấy lên hy vọng rằng thế giới sẽ sớm có thể kiềm chế đại dịch nhưng Tổ chức Lao động quốc tế cảnh báo triển vọng phục hồi thị trường lao động toàn cầu trong năm 2021 "thấp, không ổn định và không đồng đều."

ILO kêu gọi các quốc gia hỗ trợ đặc biệt cho những nhóm và lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất và cho những nhóm có thể tạo việc nhiều việc làm một cách nhanh chóng. Tổ chức Lao động quốc tế nhấn mạnh cần hỗ trợ cho các nước nghèo hơn, có ít nguồn lực để thúc đẩy phục hồi thị trường việc làm hơn.Báo cáo đưa ra 3 kịch bản phục hồi trong năm 2020, tùy thuộc vào các biện pháp hỗ trợ ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Trong kịch bản tiêu cực, thời lượng làm việc trong năm 2021 sẽ giảm thêm 4,6% và thậm chí trong kịch bản tích cực nhất thì thời lượng làm việc cũng vẫn giảm thêm 1,3% trong năm 2021, tương đương với khoảng 36 triệu việc làm sẽ mất đi./.

Lê Thị Ngọc Ánh (TTXVN/Vietnam+)

 

319 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 657
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 657
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88304532