ILO cảnh báo tình trạng mất việc làm do đại dịch COVID-19 

(ĐCSVN) – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 23/9 cho biết, đại dịch COVID-19 đang có tác động đáng kể đến thị trường lao động trên toàn thế giới và gây tổn thất lớn về thu nhập lao động.
ILO cảnh báo tình trạng mất việc làm do đại dịch COVID-19

Theo nghiên cứu mới của ILO về tác động của COVID-19, thu nhập từ lao động đã giảm hơn 10% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 so với năm trước. Do đó, nghiên cứu cho thấy thu nhập lao động giảm "lớn" và "khoảng trống" trong kích thích tài khóa có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo.

ILO cho biết thiệt hại tổng thể tính theo giờ làm việc trong 9 tháng đầu năm 2020 "lớn hơn đáng kể" so với ước tính trong nghiên cứu trước (xuất bản ngày 30/6), như ước tính sửa đổi về số giờ làm việc bị mất trong quý 2 năm nay tương đương với 495 triệu công việc toàn thời gian trực tiếp. Trong lần đánh giá trước đó, cơ quan Liên hợp quốc ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu việc làm tương đương toàn thời gian trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6. Mức giảm gần 18% so với cuối năm ngoái.

Giảm việc làm do không hoạt động chứ không phải do thất nghiệp

Nhìn chung, cơ quan của Liên hợp quốc lưu ý rằng tổng thiệt hại về số giờ làm việc trong 9 tháng đầu năm 2020 "đáng kể" so với ước tính trong ấn bản trước.

Trong tuyên bố được đưa ra, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cảnh báo: "Cũng như chúng ta phải tăng cường nỗ lực để đánh bại virus, chúng ta còn phải hành động khẩn cấp và trên quy mô lớn để khắc phục hậu quả kinh tế, xã hội và việc làm của nó. Điều đó có nghĩa là cung cấp hỗ trợ bền vững cho việc làm, doanh nghiệp và thu nhập”.

Theo ILO, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, số giờ làm việc bị mất dự báo sẽ giảm xuống còn 345 triệu. Tuy nhiên, tổ chức này dự báo con số sẽ còn tiếp tục suy giảm vào cuối năm so với kỳ vọng trước đó, đồng thời lưu ý rằng những thiệt hại từ khi bắt đầu đại dịch liên quan nhiều đến tình trạng không hoạt động hơn là thất nghiệp.

Ngoài ra, triển vọng cho quý 4 có "sự suy giảm đáng kể". Sự sụt giảm trong một năm sau đó sẽ ở mức hơn 8%, tương đương gần 250 triệu việc làm, thay vì gần 5% dự kiến. Nhưng trong trường hợp nếu các hạn chế di chuyển còn bị tăng cường hơn nữa thì con số này thậm chí có thể lên tới 18%. Theo một nhà chức trách của ILO, quá trình phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng bấp bênh của người lao động ở các nước đang phát triển

Ở phạm vi rộng hơn, Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính thu nhập từ lao động trên khắp thế giới trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 đã giảm 3,5 nghìn tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này thậm chí còn không bao gồm các chương trình do chính phủ đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động. Mức sụt giảm lớn nhất là ở các nước có thu nhập trung bình thấp, nơi mức thiệt hại về thu nhập lao động đã lên tới hơn 15%. Trong đó, châu Mỹ vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới, với hơn 12%.

Theo cơ quan của Liên hợp quốc, một trong những lý do khiến số giờ làm việc bị mất ước tính gia tăng này nằm ở thực tế rằng, ở các nước đang phát triển và mới nổi, người lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây, đặc biệt là những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Một đánh giá khác của báo cáo là tác động của các biện pháp hạn chế di chuyển vốn có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. Gần 95% người lao động sống trong những khu vực vẫn còn áp dụng các hạn chế. Đồng thời, 32% ở các quốc gia nơi tất cả nơi làm việc đều bị đóng cửa, ngoại trừ những nơi được coi là thiết yếu khi đối mặt với đại dịch.

Chênh lệch trong kích thích tài khóa

Ở một mức độ khác, mặc dù kích thích tài khóa đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế và giảm thiểu số giờ làm việc, nhưng các biện pháp này chủ yếu được thực hiện ở các nước thu nhập cao, do thực tế rằng các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có khả năng tài trợ hạn chế cho các biện pháp đó.

Theo ILO, đối với các nước đang phát triển, để đạt được tỷ lệ kích thích đối với số giờ làm việc bị mất tương tự như ở các nước có thu nhập cao, họ sẽ cần phải có thêm 982 tỷ USD. Con số này là 45 tỷ USD ở các nước thu nhập thấp và 937 tỷ USD ở các nước thu nhập trung bình thấp hơn. ILO cho biết: “Nhu cầu ngân sách cho các nước thu nhập thấp lên tới dưới 1% tổng giá trị của các gói kích thích tài khóa được công bố ở các nước thu nhập cao”.

Trong mọi trường hợp, "khoảng cách về kích thích tài khóa" khổng lồ này còn đáng lo ngại hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thâm hụt trong lĩnh vực bảo trợ xã hội ở nhiều nước đang phát triển.

Trong bối cảnh đó, theo Tổ chức Lao động Quốc tế, cộng đồng quốc tế cần xác định một chiến lược toàn diện để kích hoạt sự phục hồi thông qua hợp tác và đoàn kết. “Không một nhóm nào, không một quốc gia nào, không một khu vực nào trên thế giới có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này một cách đơn lẻ” – Tổng giám đốc ILO Guy Ryder kết luận./.

 
Khánh Linh (Theo UN, ILO, AFP)
137 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 704
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 704
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87057619