Ngày 3/10, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định châu Âu cần nhanh chóng giảm tiêu thụ khí đốt để vượt qua mùa Đông này trong bối cảnh dự trữ khí đốt đang ở mức thấp và có những lo ngại về nguy cơ Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung.
Trong những tháng vừa qua, giá khí đốt đã tăng mạnh khi nhập khẩu từ Nga giảm, buộc các nước châu Âu phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, bao gồm việc mua lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Na Uy.
IEA đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt khí đốt chưa từng có nếu như các nước châu Âu không kiềm chế nhu cầu.
[Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt]
Cơ quan này ước tính cần phải cắt giảm 9% so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua, nếu như khu vực này muốn cầm cự được đến mùa Xuân với nguồn cung phù hợp.
Trong báo cáo hàng quý mới nhất, IEA cảnh báo viễn cảnh của thị trường khí đốt vẫn ảm đạm. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy các thị trường sẽ đối mặt với khó khăn đến năm 2023.
Theo IEA, việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng đã cho phép các cơ sở dự trữ khí đốt lấp đầy tới 90% vào cuối tháng Chín.
Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo trong trường hợp Nga dừng hoàn toàn nguồn cung từ ngày 1/11, châu Âu sẽ phải giảm 13% nhu cầu để duy trì mức dự trữ phù hợp.
Việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm khí đốt sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm giảm thiểu việc rút bớt khí đốt từ kho và duy trì lượng tích trữ phù hợp cho đến cuối mùa Đông.
Giám đốc Thị trường và An ninh năng lượng IEA Keisuke Sadamori cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine và xu hướng nguồn cung khí đốt sang châu Âu giảm mạnh đang gây tổn hại nghiêm trọng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và toàn bộ các nền kinh tế.
Theo thống kê của IEA, trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Tám, mức tiêu thụ khí đốt đã giảm hơn 10% trên khắp châu Âu và 15% trong ngành công nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái, khi nhiều doanh nghiệp phải giảm sản xuất để ứng phó với việc chi phí nhiên liệu tăng cao.
Trong khi đó, nhu cầu LNG tại châu Âu đã tăng gần 67% và giảm 7% tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương do giá thành cao, thời tiết ôn hòa và chính sách kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc./.
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)