Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 19/7 cho biết việc tạm dừng cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến tổ chức này rơi vào "tình thế khó xử."
Ông Grossi cho biết: “Chúng tôi vẫn còn một số vấn đề mà chúng tôi đang cố làm rõ với Iran và chúng tôi sẽ phải chờ đợi để bắt đầu lại từ đầu với một nhóm mới khi họ nhậm chức. Thông báo về tiến trình này sẽ chỉ được nối lại sau khi Tổng thống đắc cử Iran Raisi lên nắm quyền khiến chúng tôi rơi vào tình thế khá khó xử."
Trước đó, một quan chức Iran ngày 17/7 thông báo các cuộc đàm phán tại Vienna sẽ không được nối lại trước khi chính phủ mới nhậm chức vào tháng Tám tới.
[Iran xác nhận nối lại đàm phán hạt nhân sau khi có chính quyền mới]
Ông Raisi sẽ thay thế Tổng thống hiện nay của Iran là Hassan Rouhani vào ngày 5/8. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng tại Iran nằm trong tay của Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei.
Năm 2015, Iran và Nhóm P5+1 đã ký thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
JCPOA quy định Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận.
Cho đến nay, Iran đã làm giàu urani lên tới độ tinh khiết 60%.
Sau khi nhậm chức tháng Một năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận JCPOA và Washington cho rằng Tehran cũng muốn như vậy.
Kể từ khi nối lại đàm phán vào tháng Tư tại Vienna, Iran và các bên còn lại tham gia JCPOA đã tiến hành 6 vòng đàm phán.
Theo một số nguồn tin, các bên hiện còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm, như các bước Tehran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận, cũng như các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện đối với Tehran và các hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận./.
Quang Minh (TTXVN/Vietnam+)