Vào tháng 7/2015, Iran, 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh và Nga), Đức và Liên minh châu Âu đã ký JCPOA nhằm hạn chế các hoạt động làm giàu uranium của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Kể từ tháng 1/2016, IAEA đã tiến hành thẩm tra và giám sát việc thực thi các nghĩa vụ của Iran liên quan đến hạt nhân theo JCPOA.
Theo nhà lãnh đạo của IAEA, thỏa thuận này đem lại lợi ích đáng kể cho công cuộc xác minh. “Đến nay, tôi có thể khẳng định rằng Iran đang thực hiện các cam kết liên quan đến hạt nhân" – ông Amano nói trước Hội đồng Thống đốc IAEA ở Vienna, đồng thời nhấn mạnh "điều quan trọng là Iran tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết này". Tổng giám đốc IAEA cảnh báo “nếu JCPOA thất bại, đó sẽ là mất mát to lớn cho quá trình xác minh hạt nhân và cho chủ nghĩa đa phương".
Ông Amano cũng cho biết thêm rằng IAEA yêu cầu Tehran giải thích rõ thêm về các kế hoạch phát triển chu kỳ nhiên liệu hạt nhân liên quan đến động cơ hạt nhân hải quân.
Tổng giám đốc IAEA nhấn mạnh cơ quan này “đã tiếp cận vào tất cả các địa điểm và cơ sở phải đến. Các đánh giá về sự thiếu hụt vật liệu hạt nhân và các hoạt động không được công bố ở Iran đang tiếp tục được tiến hành".
Trước đó, ngày 9/11/2017, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế Yukiya Amano cũng đã lên tiếng xác nhận Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân (Kế hoạch Hành động toàn diện chung - JCPOA). Ông Amano đã nhấn mạnh, JCPOA mang ý nghĩa quan trọng trong việc giám sát chương trình hạt nhân tại Iran. Ông nêu rõ, cho đến nay, IAEA đã tiếp cận tất cả các cơ sở cần kiểm tra tại Iran và sẽ tiếp tục làm việc một cách công bằng, dựa trên căn cứ thực tế./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP, IAEA)