Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 6/4 cho biết Iran vừa chuyển toàn bộ số máy móc dùng để chế tạo linh kiện máy ly tâm từ nhà xưởng bỏ hoang ở Karaj tới cơ sở Natanz đang trong quá trình tái thiết.
Động thái này diễn ra chỉ 6 tuần sau khi Tehran xây dựng một cơ sở tương tự ở Isfahan để chế tạo thiết bị phục vụ làm giàu hạt nhân này.
IAEA nêu rõ Iran đã chuyển toàn bộ thiết bị khỏi nhà máy Karaj tới một địa điểm chưa xác định ở Natanz.
Thông tin này làm dấy lên nghi vấn liệu nước này có đang tìm cách gia tăng sản xuất máy ly tâm bằng cả 2 cơ sở Natanz và Isfahan hay không.
Trong một báo cáo gửi tới các quốc gia thành viên, IAEA nhấn mạnh: “Trong ngày 4/4, các thanh sát viên của IAEA đã xác nhận toàn bộ số máy móc đó vẫn còn nguyên niêm phong của IAEA ở Natanz và vì thế chúng vẫn chưa được đưa vào sử dụng.”
Tuy nhiên, theo một thỏa thuận được ký kết hơn một năm trước, IAEA không được tiếp cận dữ liệu mà số camera giám sát đã ghi lại tại cơ sở mới ở Isfahan.
Do đó, cơ quan này lưu ý: “Vì không được tiếp cận dữ liệu từ các camera, nên IAEA không thể xác nhận liệu Iran đã bắt đầu sản xuất linh kiện máy ly tâm tại nhà xưởng Isfahan hay chưa.”
[IAEA xác nhận Iran bắt đầu làm giàu urani ở mức 60% ở cơ sở Natanz]
Vào tháng 12/2021, Iran đã chấp thuận cho các thanh sát viên IAEA tới cơ sở Karaj để lắp đặt lại các camera giám sát sau nhiều tháng đình trệ.
Tehran cho biết trước đó, Israel đã tấn công, phá hủy một camera và làm hư hỏng một camera khác, khiến cơ quan chức năng của Iran phải dỡ bỏ toàn bộ 4 camera giám sát tại Karaj.
Đến tháng 1/2022, Iran thông báo với IAEA rằng nước này đang chuyển một phần hoạt động sản xuất linh kiện máy ly tâm tiên tiến tới một cơ sở mới ở Isfahan và IAEA sẽ lắp đặt camera tại đó để giám sát các hoạt động này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này chưa có kế hoạch đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài NBC, Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết ông "không quá lạc quan về triển vọng thực sự đạt được một thỏa thuận" với Iran và Washington sẽ phải cân nhắc liệu có kết thúc đàm phán hay không.
Iran đã nhiều lần yêu cầu Mỹ loại IRGC ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố để thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân mới.
Tuy nhiên Israel luôn kịch liệt phản đối đề xuất này. Hiện vấn đề về IRGC vẫn đang là trở ngại then chốt đối với tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015./.
Cao Ứng (TTXVN/Vietnam+)