Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 là một “tia hy vọng” cần được tiếp tục theo đuổi. “Tất nhiên, sẽ là tuyệt vời nếu như chúng ta có thể hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực này (bán đảo Triều Tiên). Bởi mối quan tâm lớn lao của chúng ta đó là – tình hình căng thẳng này xuất phát từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên” - bà Merkel nói.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng hy vọng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra thành công, giúp thiết lập một nền hòa bình lâu dài giữa hai miền Triều Tiên.
Phát biểu trong một buổi lễ cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Peter, ngày 25/4, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh, cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ mở ra một cơ hội đầy triển vọng dẫn tới hành trình tái hòa giải và khôi phục tình hữu nghị giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời giúp bảo đảm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và trên thế giới. Giáo hoàng Francis hy vọng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đóng vai trò là những người kiến tạo hòa bình như mục tiêu mà hai nhà lãnh đạo đã từng theo đuổi.
Trước đó, trong lời phát biểu nhân ngày Lễ Phục sinh 1/4, Giáo hoàng Pope Francis đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cần theo đuổi nỗ lực để tiến trình đối thoại phát huy tác dụng. “Chúng tôi kỳ vọng vào kết quả của tiến trình đối thoại về tình hình bán đảo Triều Tiên. Các vòng đối thoại đang được triển khai sẽ thúc đẩy tinh thần hòa hợp và nền hòa bình trong khu vực” – Giáo hoàng Francis nói. Bên cạnh đó, người đứng đầu Tòa thánh Vatican cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo gánh vác trách nhiệm trực tiếp trong tiến trình này cần hành động khôn ngoan và và sáng suốt nhằm thúc đẩy thiện chí của người dân Triều Tiên và xây dựng những mối quan hệ tin tưởng trong cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, nhiều nhà lãnh đạo tại châu Á, Trung Mỹ, châu Phi và Trung Đông đã tỏ rõ lập trường ủng hộ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều – một sự kiện vốn được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tin tưởng là sẽ đánh dấu cho sự khởi đầu của tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Báo chí Hàn Quốc cho biết, cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra vào ngày 27/4 sẽ bao gồm nhiều sự kiện khác nhau nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo, dựa trên nền tảng thúc đẩy các nỗ lực của cộng đồng quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 26/4, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Im Jong-seok cho biết, cuộc gặp gỡ đầu tiên mang tính lịch sử giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ bắt đầu từ 9 giờ 30 phút sáng ngày 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom.
Theo kế hoạch, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đi bộ qua khu vực biên giới liên Triều và trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc kể từ sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc. Đây là lần thứ 3 Hàn Quốc và Triều Tiên tiến hành Hội nghị thượng đỉnh song lại là sự kiện đầu tiên được tổ chức tại Hàn Quốc. Hai Hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đó đều diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào các năm 2000 và 2007.
Cùng ngày, hãng thông tấn NHK cho biết, chương trình nghị sự của các Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào các năm 2000 và 2007 chủ yếu tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, trong khuôn khổ sự kiện diễn ra vào ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là sẽ trực tiếp xác minh thiện chí của Triều Tiên trước vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng thời tạo dựng một bầu không khí phù hợp để bảo đảm rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sẽ đạt được những bước tiến cụ thể hướng tới mục tiêu này.
Dự kiến, ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, ông Moon Jae-in sẽ sớm tiến hành cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump để thông báo vắn tắt về kết quả của sự kiện này. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch sang thăm Mỹ để trực tiếp gặp gỡ ông D.Trump vào trung tuần tháng 5/2018.
Ngày 25/4, một trung tâm báo chí hỗ trợ đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã được mở tại ngoại ô thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, đã có khoảng 3.000 phóng viên đăng ký đưa tin về cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un – nhiều gấp đôi số lượng phóng viên ghi nhận được trong hai Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào các năm 2000 và 2007./.
Thu Lan (Theo NHK, Yonhap)