Theo CNBC, thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng vọt trong ngày 9/11 sau khi hãng Pfizer và BioNTech thông báo dữ liệu thử nghiệm cho thấy vaccine ngừa COVID-19 của họ hiệu quả đến 90% trong ngăn chặn virus Corona chủng mới. Tin này cùng với khả năng người thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là ông Joe Biden có sức ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế 2021 mới được Goldman Sachs công bố, các nhà phân tích nhấn mạnh chương trình nghị sự về chính sách tài khóa của đảng Dân chủ có thể gặp trở ngại vì có thể Đảng này không chiếm đa số tại Thượng viện. Mặc dù vậy, các nhà phân tích vẫn mong đợi về gói tài chính trị giá 1.000 tỷ USD ở Mỹ có khả năng được triển khai trước lễ nhậm chức chính thức của tân Tổng thống vào ngày 20/1.
Jan Hatzius, kinh tế trưởng của Goldman Sachs và nhóm của ông nhận định những làn sóng COVID-19 ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu giảm trong quý 4/2020 và quý 1/2021. Tuy nhiên, ngân hàng này lạc quan rằng nền kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ vượt xa dự báo mà các nhà kinh tế đã đưa ra trước đó.
Ngân hàng này dự báo GDP toàn cầu đạt 3,9% vào năm 2020, 6% vào năm 2021 và 4,6% vào năm 2022.
Với giả định Cục kiểm soát thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ sẽ cho phép lưu hành ít nhất một loại vaccine vào tháng 1/2021 và việc tiêm chủng hàng loạt có thể bắt đầu ngay sau đó, kinh tế toàn cầu sẽ tăng mạnh trong quý 2.
Goldman Sachs kỳ vọng các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh chỉ bắt đầu tăng lãi suất trở lại vào năm 2025.
Trước đó, trong dự báo mới nhất, Ủy ban châu Âu cho hay nền kinh tế khu vực đồng euro chỉ tăng trưởng 4,2% trong năm sau, giảm so với mức dự báo 6,1% hồi tháng 7. Các nước châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai, có nguy cơ nặng nề hơn làn sóng đầu tiên hồi đầu năm nay.
Là một trong những khu vực chứng kiến đà phục hồi kinh tế tích cực trong quý 3 vừa qua, song châu Á vẫn được cho là đối mặt nhiều khó khăn, khi động lực tăng trưởng của các nền kinh tế không đồng đều. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế châu Á suy giảm 2,2% trong năm nay, trong bối cảnh đại dịch vẫn tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia, song bật tăng trở lại và đạt mức 6,9% trong năm 2021. Tuy nhiên, ngay cả với tốc độ tăng trưởng khả quan này, sản lượng của toàn khu vực trong năm 2021 vẫn thấp hơn mức dự báo được đưa ra trước đại dịch.
An Bình