Hy Lạp muốn quan hệ tốt với Nga dù mới trục xuất 2 nhà ngoại giao 

Hy Lạp ngày 12/7 ra tuyên bố khẳng định nước này vẫn muốn tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với Nga dù một ngày trước đó, Athens đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga về nước với cáo buộc tìm cách hối lộ các quan chức và kích động biểu tình nhằm cản trở một thỏa thuận giúp Macedonia gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hy Lạp muốn quan hệ tốt với Nga dù mới trục xuất 2 nhà ngoại giao

Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp George Katrougalos khẳng định Nga là một quốc gia thân thiện mà Hy Lạp có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, song nhấn mạnh Athens luôn căn cứ pháp luật quốc tế làm nền tảng trong tất cả các mối quan hệ song phương và đa phương để bảo vệ chủ quyền. 

Qua đó, Thứ trưởng Katrougalos muốn bảo vệ quyết định của Hy Lạp trong vụ trục xuất hai nhà ngoại giao Nga, cho rằng đây chỉ là một vụ việc đơn lẻ và mối quan tâm của Hy Lạp là bảo vệ mối quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước. 

Trước đó, ngày 11/7, Hy Lạp đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga và cấm 2 người khác nhập cảnh vào quốc gia châu Âu này với cáo buộc những người này đã kích động biểu tình và tìm cách hối lộ quan chức nước này để cản trở thỏa thuận Macedonia. Athens cho đến nay vẫn không công bố chi tiết vụ việc này, song Nga đã phủ nhận mọi việc làm sai trái và cũng quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Hy Lạp ở nước này để đáp trả. 


Liên quan đến tiến trình Macedonia gia nhập NATO, theo quy định của NATO, bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia tổ chức phải nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ các thành viên. Tuy nhiên, mọi nỗ lực gia nhập NATO của Macedonia đã bị chặn đứng suốt 10 năm qua vì mâu thuẫn tên gọi với một thành viên NATO là Hy Lạp. 

Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia - FYROM. Tuy nhiên, Hy Lạp phản đối tên gọi này vì trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp. 

Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng, cho rằng việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là Macedonia đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi mà Athens coi là di sản văn hóa tôn nghiêm. 

Hồi tháng trước, hai nước đã đạt một thỏa thuận nhằm đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Thỏa thuận này cần được quốc hội hai bên thông qua và phải nhận được sự đồng thuận trong cuộc trưng cầu ý dân tại Macedonia dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới. 

Ngày 11/7, NATO đã mời Macedonia khởi động các cuộc đàm phán để tham gia tổ chức này. 

Nga đã cáo buộc NATO lôi kéo Macedonia, đồng thời cho rằng chính sách "mở cửa" của liên minh quân sự này thực chất là nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ địa lý./. 
 

1156 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1046
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1046
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87191893