Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn 

(QT) - Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ khóa XV về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương, thời gian qua các xã, thị trấn trên địa bàn đã tập trung rà soát, phân loại quỹ đất, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ vụ đông xuân 2016-2017, huyện Cam Lộ triển khai tổ chức các gói sản xuất đồng bộ, hiệu quả từ đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, liên kết ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, chế biến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm… hỗ trợ cho nông dân, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

 

Phát triển cây dứa tại huyện Cam Lộ

 

Để nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, xây dựng thương hiệu nông sản đặc sản địa phương, liên kết đưa sản phẩm vào các thị trường, huyện Cam Lộ chỉ đạo chú trọng các biện pháp cải tạo đất sạch, nước sạch, sản xuất sạch, sử dụng phân bón vi sinh, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đối với cây lúa, quy hoạch giảm diện tích từ 1.800 ha xuống còn khoảng 1.200 ha, sử dụng giống lúa chất lượng cao.

 

Vụ đông xuân 2016-2017, toàn huyện chỉ đạo nông dân không sử dụng thuốc BVTV, quan tâm nhổ cỏ, bón phân hữu cơ, phân vi sinh cho cây lúa, động viên người dân sử dụng sản phẩm sạch do chính mình làm ra, sau đó mới đưa ra thị trường. Các xã Cam An, Cam Thanh, Cam Hiếu mỗi xã chỉ đạo tổ chức sản xuất 5 ha lúa sạch để nhân rộng. Riêng xã Cam Thanh tổ chức sản xuất 13,6 ha lúa an toàn sử dụng giống Bắc Thơm 7 theo chương trình WB7.

 

Đến vụ hè thu 2017, huyện Cam Lộ chỉ đạo xây dựng 26,1 ha cánh đồng mẫu liền vùng, cùng trà, cùng giống, cùng bón phân bón vi sinh, canh tác đồng bộ tại HTX Thanh Sơn (13,6 ha) và HTX Cam An (13,5 ha), sử dụng giống lúa chất lượng cao Bắc Thơm 7 và TBR-1, sản xuất gạo sạch chất lượng cao cung cấp cho làng nghề bún Cẩm Thạch và xây dựng thương hiệu gạo an toàn Cam Lộ. Bên cạnh đó, liên kết với Công ty Đại Nam ở Vũng Tàu cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, sử dụng giống lúa RVT để tổ chức sản xuất 13 ha lúa hữu cơ tại HTX Thanh Sơn (8 ha) và HTX Cam An (5 ha).

 

Đối với các cây trồng khác, huyện giao cho Công ty TNHH MTV Từ Phong thí điểm thuê lại một số diện tích đất của nông dân thôn Quật Xá, xã Cam Thành tổ chức sản xuất lạc hữu cơ, hiện đang chờ kết quả thẩm định của Bộ KH&CN. Huyện cũng tặng mỗi xã một máy gieo lạc, ngô, rau, vừng…, năng suất bằng 10 người làm để khuyến khích người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải phóng sức lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới với thu nhập cao hơn.

 

Đối với các loại cây trồng mới, đến nay toàn huyện đã phát triển được 77 ha dứa và 27,5 ha cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, nghệ, ngưu tất, sinh địa…, sản xuất hoàn toàn hữu cơ. Cây dứa do Công ty cổ phần Đồng Giao (Ninh Bình) cung cấp giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các loại cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, nghệ cung cấp cho làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn và cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Thành Lọc ở xã Cam Nghĩa. Còn cây ngưu tất, sinh địa, trạch tả do Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam cam kết thu mua.

 

Hiện nay, Sở KH&CN đang phối hợp với huyện Cam Lộ thực hiện dự án thử nghiệm trồng 3 ha cây ngưu tất, sinh địa, trạch tả tại thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy để đánh giá hiệu quả, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ thực hiện đề xuất của huyện Cam Lộ thực hiện dự án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam cũng đang có kế hoạch làm việc với huyện Cam Lộ về xây dựng chiến lược phát triển cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO giai đoạn 2017- 2020. Quá trình sắp xếp, quy hoạch tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, Cam Lộ đã dành quỹ đất tương đối lớn chuyển từ đất lúa hiệu quả thấp và đất rừng có độ dốc thấp dưới 10% sang quy hoạch phát triển cây dược liệu, trồng dứa, cây ăn quả có giá trị cao quanh các vành đai trang trại.

 

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng được huyện Cam Lộ chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX Đoàn Kết ở xã Cam Nghĩa là đơn vị được huyện chọn hỗ trợ để thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP để nhân rộng trên địa bàn, trước hết là nhân rộng ra 18 trang trại nuôi lợn quy mô từ 200-2.000 con/ trang trại. Các xã, thị trấn đã quy hoạch vành đai trang trại xa khu dân cư, chăn nuôi khép kín, sản xuất nông- lâm kết hợp vừa không gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.

 

Định hướng hỗ trợ sản xuất của huyện Cam Lộ chuyển từ hỗ trợ nông hộ sang liên kết vùng, ứng dụng gói sản xuất đồng bộ từ đào tạo nghề đến liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, tiến đến sản xuất hoàn toàn hữu cơ. Trong xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn đang tập trung chỉ đạo phấn đấu xây dựng nông thôn mới “4 có”: Nông thôn có dân chủ để huy động tốt sức dân xây dựng nông thôn mới; nông dân có thu nhập khá; đường làng có điện sáng, hoa tươi; vườn nhà có quả tốt.

 

Việc tổ chức lại sản xuất từ đồng vào nhà, từ nhà ra ngõ, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân là một trong những giải pháp quan trọng để Cam Lộ xây dựng nông thôn mới “4 có”, phấn đấu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới vào năm 2018.

 

Thanh Hải

1673 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1349
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1349
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168976