Hungary xem xét lại sự tham gia của Nga trong dự án điện hạt nhân Paks 

Chính phủ Hungary lo ngại khi xung đột và các biện pháp trừng phạt càng kéo dài, thì càng có nguy cơ phải loại bỏ hoàn toàn sự tham gia của Nga vào dự án.
Hungary xem xét lại sự tham gia của Nga trong dự án điện hạt nhân Paks

Hungary đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Paris nhằm tăng cường hơn nữa vai trò tham gia của Pháp trong dự án mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks.

Đây được xem là bước đi mở đường cho việc Pháp sẽ thay thế nhà thầu Rosatom của Nga trong dự án này.

Hôm 13/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Paris, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU).

Một trong những chủ đề được hai nhà lãnh đạo tập trung thảo luận tại cuộc gặp đó là vấn đề an ninh năng lượng.

Bên lề chuyến thăm này, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cũng đã gặp gỡ các giám đốc điều hành của công ty hạt nhân Pháp Framatome, là doanh nghiệp cùng với Siemens của Đức đã giành được hợp đồng trị giá hàng tỷ euro cho dự án hệ thống điều khiển nhà máy Paks.

[Chính phủ Hungary cho phép mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks]

Phía Hungary đã đề nghị Pháp đóng một vai trò lớn hơn trong dự án sau khi chính phủ Đức chặn việc cung cấp hệ thống điều khiển do sự tham gia của Rosatom vào dự án này.    

Các quan chức Hungary tiết lộ chính phủ đang xem xét lại dự án trị giá 12,5 tỷ euro nói trên. Chính phủ Hungary lo ngại khi xung đột và các biện pháp trừng phạt càng kéo dài, thì càng có nguy cơ phải loại bỏ hoàn toàn sự tham gia của Nga vào dự án.

Năm 2014, Hungary đã ủy quyền cho "gã khổng lồ" năng lượng nhà nước Nga Rosatom xây dựng 2 lò phản ứng công suất 1.200 MW tại Paks với nguồn tài chính từ khoản vay trị giá 10 tỷ euro của Nga.

Dự án này đã bị đình trệ 5-7 năm và có vẻ như các lò phản ứng mới sẽ chưa thể đi vào hoạt động trước năm 2030.

Tuy nhiên, Hungary không có kế hoạch từ bỏ dự án do Rosatom dẫn đầu và thay thế lò phản ứng chính của Nga bằng các thiết kế khác vì điều này sẽ liên quan đến thủ tục cấp phép với EU và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng như cơ quan hạt nhân Hungary, một quy trình có thể phải mất nhiều năm mới hoàn tất.

Một quan chức Pháp cho biết cả hai bên sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn về năng lượng hạt nhân, nhưng không nêu rõ đó sẽ là dự án mở rộng nhà máy Paks hay một dự án khác.

Budapest cũng đang trong thời gian phải kiềm chế để tăng nguồn cung năng lượng do các chuyên gia dự báo nhu cầu điện của Hungary có thể tăng từ 44 TWh lên đến 68 TWh vào năm 2030.

Nguyên nhân là do chính phủ Hungary đang có kế hoạch thu hút một số lượng lớn các dự án công nghiệp quy mô lớn, sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như ngành công nghiệp pin EV (pin ô tô điện).

Khi thủ tục cấp phép mở rộng Paks kéo dài, chính phủ Hungary đã thông qua một quy định gia hạn việc ngừng hoạt động của 4 lò phản ứng hiện có, với công suất mỗi tổ hợp là 500 MW, thêm 20 năm nữa.

Các lò phản ứng hiện tại đã được lên kế hoạch loại bỏ dần dần trong giai đoạn từ năm 2032 đến năm 2037.

Đại diện của Rosatom tại Hungary hôm 25/3 thông báo công ty này sẵn sàng triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Paks 2 và tin chắc Rosatom sẽ xây dựng thành công nhà máy điện hạt nhân mới sử dụng công nghệ VVER-1200 tiên tiến nhất hiện nay.

Hungary hiện là quốc gia EU duy nhất mà Rosatom vẫn tham gia vì công ty này đã bị loại khỏi các dự án tại Cộng hòa Czech (Séc), Bulgaria và Phần Lan sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

154 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 927
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 929
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87223371