Truyền thông Hungary ngày 28/6 cho biết trong tuần tới, Quốc hội nước này dự kiến tổ chức 3 phiên họp bất thường vào các ngày 3, 4 và 7/7, tuy nhiên nội dung chỉ tập trung vào cuộc bỏ phiếu cuối cùng về luật hiện trạng ngân sách năm 2024.
Đây cũng là các phiên họp cuối cùng của Quốc hội Hungary trước khi nghỉ Hè.
Đáng chú ý, trong chương trình nghị sự của 3 ngày họp này không có nội dung liên quan đến việc bỏ phiếu phê chuẩn Thụy Điển trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Điều này đồng nghĩa việc Hungary có nhất trí để Thụy Điển gia nhập NATO hay không - vốn đã kéo dài suốt 1 năm qua, có thể bị trì hoãn ít nhất đến mùa Thu tới.
Văn phòng báo chí của Quốc hội Thụy Điển không xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết chương trình nghị sự của các phiên họp tuần tới sẽ được đưa ra tại cuộc họp của ủy ban Hạ viện trong ngày 29/6.
Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban trước đó đã nhiều lần trì hoãn việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO, dù các thành viên nội các đều khẳng định ủng hộ Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của tổ chức này.
Nếu quốc hội Hungary, do đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Orban chiếm đa số, không tổ chức bỏ phiếu trong tuần tới, Thụy Điển sẽ chưa thể trở thành thành viên của NATO trước Hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này, dự kiến được tổ chức tại Vilnius (Litva) vào ngày 11-12/7.
Ngoài ra, Thụy Điển hiện cũng chưa nhận được sự phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ do Ankara vẫn cho rằng Stockholm chưa đáp ứng tất cả các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố.
[Thụy Điển kỳ vọng trở thành thành viên NATO vào tháng Bảy tới]
Trước đó, ngày 6/4, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary, ông Gergely Gulyas, tuyên bố mối quan hệ giữa nước này với Thụy Điển đang ở mức thấp, đồng thời kêu gọi Stockholm thực hiện những bước đi để tăng cường lòng tin, trong bối cảnh quốc gia Bắc Âu này đang tìm kiếm sự ủng hộ của Hungary trong vấn đề gia nhập NATO.
Ông Gulyas nhắc lại mối quan ngại của đảng cầm quyền Hungary đối với đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Theo ông, mối quan ngại ngày càng tăng lên khi thời gian gần đây Thụy Điển tham gia vụ kiện chống lại Hungary do Ủy ban châu Âu khởi xướng.
Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary nêu rõ: "Mối quan hệ hiện tại giữa Thụy Điển và Hungary đang ở mức thấp.. một phần lý do cũng vì sự can thiệp từ phía Ủy ban châu Âu, do đó cần phải có những bước đi để tăng cường lòng tin.
Trong tình huống như vậy, sự đoàn kết của NATO là điều tối quan trọng, và sẽ là vô ích khi đưa những cuộc tranh luận song phương vào khuôn khổ NATO."
Theo quy định, Thụy Điển cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO, tuy nhiên tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển đã bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập của Phần Lan, nhưng chưa quyết định trường hợp của Thụy Điển./.
Ngọc Long (TTXVN/Vietnam+)