Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 18/11 tuyên bố Liên minh châu Âu và Mỹ có thể làm lan rộng cuộc xung đột ở Ukraine ra phần còn lại của thế giới, trong bối cảnh phương Tây đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh: "Xu thế ủng hộ chiến tranh ở Brussels và Washington đã phát động một cuộc tấn công tuyệt vọng cuối cùng vào thực tế mới. Điều đó không chỉ phản dân chủ, mà còn cực kì nguy hiểm. Dường như các lực lượng ủng hộ chiến tranh, trong nỗi tuyệt vọng cuối cùng, không sợ điều xấu nhất, đặc biệt là lan rộng cuộc chiến ở Ukraine ra toàn thế giới."
Ngày 17/11, tờ New York Times dẫn lời các quan chức chính quyền Mỹ giấu tên cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần đầu tiên cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Các nguồn tin này cho biết các vụ tấn công đầu tiên vào sâu lãnh thổ Nga nhiều khả năng sẽ được tiến hành với các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn (ATACMS).
Báo Le Figaro cho biết Pháp và Anh cũng đã cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí tầm xa của hai nước này để tấn công lãnh thổ Nga, nhưng sau đó thông tin trên đã bị gỡ khỏi bài viết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 cho biết các nước NATO không chỉ đang thảo luận về khả năng Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa, mà về cơ bản còn sẽ quyết định liệu có tham gia trực tiếp vào xung dột Ukraine hay không.
Ông Putin cũng khẳng định sự can dự trực tiếp của các nước phương Tây vào xung đột Ukraine sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột này và Nga sẽ buộc phải đưa ra các quyết định dựa trên các mối đe dọa đối với Nga./.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho phép Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, chặn đà cuộc phản công quy mô lớn của Nga tại tỉnh Kursk.