Theo hãng tin Reuters, bản kiến nghị tóm lược phân xử được Huawei nộp lên Tòa án quận Đông Texas (nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn Huawei tại Mỹ) yêu cầu bác bỏ tính hợp pháp của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019. Diễn biến này cho thấy quyết tâm của Huawei nhằm theo đuổi một vụ kiện do tập đoàn này khởi động từ tháng 3/2019. Vào thời điểm đó, Huawei đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên Tòa án liên bang tại Plano, bang Texas liên quan tới một đạo luật mà trong đó Washington cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của tập đoàn Huawei, khẳng định lệnh cấm này là “vi hiến”.
Dự luật NDAA đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn thành luật vào mùa hè năm ngoái, áp đặt lệnh cấm các cơ quan liên bang và các nhà thầu của các cơ quan này không được sử dụng thiết bị của Huawei vì những lý do an ninh quốc gia, đồng thời chỉ rõ mối quan hệ giữa các hoạt động của Huawei với Chính phủ Trung Quốc.
Trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal ngày 27/5, Giám đốc pháp lý của tập đoàn Huawei – ông Tống Liễu Bình (Song Liuping) đã bày tỏ quan điểm bác bỏ chính sách của Mỹ vì đã “nhằm một cách trực tiếp và vĩnh viễn vào Huawei mà không tạo cơ hội để tập đoàn này có thể phản bác hay thoát khỏi tình huống”.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng vừa dẫn lời ông Tống Liễu Bình nêu rõ: "Dự luật hoàn toàn khẳng định rằng Huawei sai phạm và áp đặt rất nhiều hạn chế với Huawei". Ông Tống Liễu Bình bày tỏ hy vọng các tòa án Mỹ sẽ coi lệnh cấm đối với Huawei là vi hiến và ra phán quyết cấm thực thi.
Trong thời gian gần đây, Huawei đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ những cáo buộc cho rằng tập đoàn này được kiểm soát bởi quân đội, các cơ quan tình báo hay Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, tập đoàn này cũng bác bỏ nghi ngại rằng các sản phẩm của Huawei là “một mối đe dọa an ninh”, đồng thời phản đối các biện pháp của Washington nhằm hạn chế các hoạt động kinh doanh của Huawei.
Tuy nhiên, sau những động thái trên, tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ này đã phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/5 đã đưa Huawei vào “bản danh sách đen” bị cấm mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ. Ngày 20/5, Chính phủ Mỹ bất ngờ thông báo tạm hoãn thực thi lệnh cấm vận thương mại nhằm vào tập đoàn Huawei trong vòng 90 ngày (tới ngày 19/8/2019) nhằm hạn chế những rắc rối gây ra cho khách hàng của Huawei trên toàn thế giới.
Động thái trên của Huawei diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, được dự báo là sẽ không chỉ gây ra nhiều rắc rối đối với Huawei - vốn được xem là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất và là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, mà còn có nguy cơ gây tổn thất cho các công ty Mỹ - vốn đang ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc./.
Thu Lan (Theo Reuters, CNBC, AFP)