Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Indonesia (TNI), Đô đốc Yudo Margono kỳ vọng Diễn tập Đoàn kết ASEAN lần thứ nhất tại Natuna (ASEX 01 Natuna) sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên với các hình thức huấn luyện chiến đấu lồng ghép với hoạt động xã hội nhằm góp phần duy trì an ninh khu vực và sự tiến bộ xã hội.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ bế mạc ngày 23/9, Đô đốc Yudo Margono kỳ vọng ASEX sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên, một hoặc hai năm/lần, nhằm tạo nên tính đặc trưng ngày càng vững chắc hơn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
[Diễn tập Đoàn kết ASEAN: Đoàn kết thống nhất là chìa khóa thành công]
Từ trước đến nay, đào tạo và huấn luyện luôn là điểm mạnh của các nước ASEAN. Do đó, tăng cường hợp tác trong các khoa mục diễn tập là điều cần thiết. Dù không phải là huấn luyện chiến đấu quân sự nhưng ASEX cũng có thể lồng ghép các hình thức huấn luyện chiến đấu với các bài tập huấn luyện cũng như thực hiện các hoạt động xã hội trong khu vực.
Bên cạnh đó, Đô đốc Yudo cho rằng hình thức, nội dung và địa điểm triển khai ASEX trong tương lai tùy thuộc vào mỗi nước Chủ tịch luân phiên ASEAN, nhưng cần bao gồm các nội dung hoạt động liên quan đến cộng đồng như những hoạt động đã triển khai tại Indonesia năm nay.
Các nội dung hợp tác tiếp theo sẽ được thống nhất tại Hội nghị Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang ASEAN vào năm 2024 tại Lào.
Tướng Yudo khẳng định, bằng cách khuyến khích hợp tác thực hiện các cuộc diễn tập như ASEX, Indonesia có thể góp phần đưa các nước ASEAN xích lại gần nhau hơn. Không chỉ hợp tác thông qua các cuộc họp mà còn tổ chức những hoạt động thiết thực, như diễn tập, đào tạo và huấn luyện.
Đánh giá về tác động của ASEX đối với an ninh hàng hải, Đô đốc Yudo cho rằng hiện tại trong ASEAN không có thỏa thuận nào xác định rằng sự hiện diện của một mối đe dọa nào đó đồng nghĩa với mối đe dọa đối với tất cả các nước thành viên.
ASEX đã đem đến hình ảnh một gia đình lớn ASEAN sẵn sàng chung tay bảo vệ lợi ích của khu vực này.
ASEX 01-Natuna là cuộc diễn tập phi chiến đấu lớn nhất được quân đội các nước ASEAN tổ chức kể từ khi thành lập vào năm 1967, với 3 phần chính gồm An ninh hàng hải (Marsec), Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR), Tìm kiếm cứu nạn (SAR) và Hợp tác quân-dân sự (Cimic)./.
Đào Trang-Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)