Cuộc họp được chia ra làm 5 phiên, trong đó phiên thứ nhất tập trung cập nhật những thông tin cho Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017 và Tuyên bố Cần Thơ, báo cáo kết quả của Nhóm Diễn đàn an ninh lương thực từ hội nghị APEC 2016 tại Peru cho đến nay; thông tin cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ sinh học trong nông nghiệp của các nền kinh tế APEC khác nhau.
Ba phiên họp trình bày các nội dung chính bao gồm: Phiên họp đối thoại hợp tác công-tư chia sẻ kinh nghiệm của các nền kinh tế khác nhau trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp; Phiên họp về ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; Phiên họp về thúc đẩy những sáng kiến, chính sách trong kỹ thuật giống mới và những tiếp cận về chính sách ở các nền kinh tế khác nhau. Phiên họp toàn thể cuối ngày sẽ thảo luận và thông qua kế hoạch chiến lược và chương trình hành động về Diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp về công nghệ sinh học trong nông nghiệp APEC.
Bà NguyễnThị Thanh Thủy, Trưởng Nhóm HLPDAB , Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đang thúc đẩy tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra nhiều lợi ích cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp cũng như ngành sản xuất lương thực. Công nghệ sinh học giúp loại bỏ các dịch bệnh, hỗ trợ cải thiện năng suất nông nghiệp.
[Giảm thất thoát, hướng tới một hệ thống lương thực APEC bền vững]
Công nghệ sinh học cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc đáp ứng các yêu cầu phát triển dân số trong thế kỷ tới, nâng cao năng suất lao động cũng như sử dụng cây trồng biến đổi gen, nhu cầu tiếp cận các vấn đề từ môi trường cũng như sức khỏe con người.
Những đóng góp tiềm năng của công nghệ sinh học giải quyết vấn đề mất lương thực, đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển nói chung, nguồn lực của nông dân nghèo được hỗ trợ nhiều hơn nữa nhờ công nghệ sinh học, tiếp cận từ các nguồn lực đa dạng về nguyên liệu biến đổi gen, nhu cầu này cũng sẽ được đáp ứng thông qua đối thoại giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân thông qua những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học và đặt ra các giải pháp đáp ứng những thách thức nghiêm trọng trên toàn cầu.
Diễn đàn phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp là một bước ngoặt lớn để giải quyết được các vấn đề chung và xây dựng một liên minh nghiên cứu thúc đẩy, phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu; là diễn đàn quan trọng để các nền kinh tế khác nhau trao đổi quan điểm, mở ra các cơ hội mới cho các nền kinh tế APEC hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững vì sự thịnh vượng của các nền kinh tế./.