Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, với ý định thúc đẩy nền kinh tế sự kiện và xây dựng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) trở thành trung tâm tài chính và công nghệ xanh quốc tế, ngày 26/2, Hong Kong đăng cai tổ chức Tuần lễ Xanh lần thứ nhất, gồm 18 diễn đàn như Diễn đàn Công nghệ Xanh Hong Kong, Diễn đàn Nghiệp vụ Khí hậu... kéo dài trong 6 ngày đến ngày 2/3 tới.
Diễn đàn Công nghệ Xanh do Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đồng tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Xanh Hong Kong.
Chuỗi sự kiện Tuần lễ Xanh của Hong Kong sẽ thu hút hơn 5.000 lượt người tham gia từ nhiều khu vực, cũng như các lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính toàn cầu.
Ban tổ chức hy vọng tận dụng cơ hội này để thiết lập một nền tảng tương tác đa lĩnh vực, liên ngành nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa công nghệ xanh và phát triển tài chính.
Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Công nghệ Xanh, Giám đốc Sở Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba (Paul Chan) cho biết tất cả các nơi trên thế giới đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh và ít carbon.
Xu hướng đó đang làm thay đổi căn bản mô hình phát triển mà trước đây chỉ tập trung vào phát triển mà bỏ qua những tổn thất xã hội.
Xanh là nền tảng cho sự phát triển chất lượng cao và Hong Kong có lợi thế đáng kể để phát triển thành “trung tâm tài chính xanh và công nghệ xanh quốc tế.”
Một mặt, Hong Kong đã tập hợp nhiều công ty và nhân tài công nghệ xanh cũng như vốn xanh, tin rằng ngành và hệ sinh thái công nghệ xanh của Hong Kong sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương mà còn cho cả đất nước, khu vực và thậm chí cả thế giới.
Ông Trần Mậu Ba cũng nhấn mạnh rằng Hong Kong có thể hoạt động như một "siêu liên hệ xanh" để tập hợp các quỹ toàn cầu và chuỗi ngành nghề nhằm kết nối hiệu quả các ngành công nghiệp xanh.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế, tổng số trái phiếu xanh và bền vững được phát hành tại Hong Kong năm 2022 đạt gần 280 tỷ USD, chiếm hơn 30% thị trường châu Á và đứng đầu trong khu vực.
Cho đến nay, chính quyền Hong Kong đã phát hành tổng cộng khoảng 25 tỷ USD trái phiếu xanh bằng các loại tiền tệ, thời hạn và hình thức khác nhau, tài trợ cho một số dự án xanh ở Hong Kong và cung cấp các tiêu chuẩn quan trọng cho thị trường.
Lô trái phiếu xanh chính quyền được mã hóa đầu tiên trên thế giới đã được phát hành vào năm 2023 và gần đây, Hong Kong đã phát hành nhiều loại trái phiếu xanh kỹ thuật số với tổng giá trị khoảng 6 tỷ HKD (767 triệu USD), tích hợp một số cải tiến công nghệ và nhận được phản ứng tích cực của thị trường.
Ông Eddie Yue, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong, cho biết tính đến cuối tháng 9/2023, đã có hơn 200 quỹ ESG (môi trường, xã hội và quản trị) được Ủy ban Chứng khoán công nhận, với tổng tài sản được quản lý đạt tới 159 tỷ USD.
Hong Kong là khu vực đầu tiên ở châu Á yêu cầu các ngành liên quan phải công bố thông tin gắn với khí hậu vào hoặc trước năm 2025.
Đây cũng là thị trường đầu tiên triển khai danh mục phân loại xanh chung do Trung Quốc đại lục và Liên minh châu Âu (EU) cùng phát triển, nhằm thúc đẩy dòng vốn khí hậu xuyên biên giới.
Ông Eddie Yue cho rằng hành trình chuyển đổi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương hướng tới tương lai bền vững có ý nghĩa toàn cầu và sẽ còn nhiều thách thức phía trước.
Tuy nhiên, Hong Kong mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các bên để thúc đẩy quá trình chuyển đổi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm mang lại lợi ích tối đa.
Ước tính toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần đầu tư tới 66.000 tỷ USD vào các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu trong 30 năm tới. Ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tài chính khí hậu ở khu vực và thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi tới nền kinh tế ít carbon.
Dựa trên hai chủ đề “Đối phó với thách thức, khám phá giải pháp” và “Các lựa chọn tài chính và hướng tới tương lai,” Diễn đàn Nghiệp vụ Khí hậu sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo từ các doanh nghiệp toàn cầu, cơ quan chính phủ, học viện và tổ chức tài chính để thảo luận chuyên sâu về các vấn đề chính trong hành trình chuyển đổi xanh và các vấn đề cấp bách như chuyển đổi năng lượng, giảm lượng carbon, cải tạo các tòa nhà theo hướng tiết kiệm năng lượng xanh và ứng dụng tối đa công nghệ xanh./.
Báo cáo nhấn mạnh lãi suất tăng và các biện pháp hạn chế trong giai đoạn dịch COVID-19 dẫn đến làn sóng di cư đã gây nên tác động nặng nề đối với thị trường bất động sản Hong Kong.