Hơn 1 tỷ liều vaccine: Dấu mốc chống dịch quan trọng của Trung Quốc 

Việc đẩy nhanh triển khai chiến lược tiêm chủng mở rộng trong toàn dân để phòng, ngừa COVID-19 là điều thực sự rất cần thiết, dù Trung Quốc vẫn được đánh giá đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh.
Hơn 1 tỷ liều vaccine: Dấu mốc chống dịch quan trọng của Trung Quốc

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm được hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, chiếm gần 40% trong tổng số 2,5 tỷ mũi vaccine COVID-19 đã sử dụng trên toàn cầu.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại quốc gia đông dân nhất thế giới nói riêng và thế giới nói chung.

Theo dữ liệu do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố, tính đến hết ngày 19/6, Trung Quốc đã tiêm được hơn 1,01 tỷ liều vaccine COVID-19.

Mặc dù chiếm vị trí dẫn đầu tuyệt đối về tổng số liều vaccine đã được tiêm, nhưng Trung Quốc vẫn đứng sau một số quốc gia khác về số liều vaccine đã được tiêm trên 100 người dân.

Theo ourworldindata.org, tính đến ngày 22/6, con số này là 74,46 liều trên 100 người ở Trung Quốc, đứng thứ bảy trong danh sách những nước tiêm được nhiều nhất, bằng khoảng một nửa so với con số cao nhất trên thế giới là 147,94 liều/100 người ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ sớm bắt kịp tốc độ tiêm chủng hiện tại của UAE.

Trung Quốc đã tiêm được hơn 100 triệu liều vaccine vào ngày 27/3 vừa qua và tốc độ tiêm chủng đã được đẩy nhanh kể từ đó.

Ngày 28/5, số vaccine được tiêm chủng ở Trung Quốc đã vượt quá 600 triệu liều, chỉ 5 ngày sau khi đạt được mốc 500 triệu liều.

Tốc độ tiêm chủng cao đã được duy trì kể từ đó, chỉ trong 5 ngày chuyển từ 900 triệu liều lên mức 1 tỷ liều vào ngày 19/6.

Đây được coi là kết quả từ kế hoạch tiêm chủng kỹ lưỡng và hệ thống thực hiện hiệu quả của Trung Quốc, nước bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào tháng 12/2020.

Mặc dù có sự khởi đầu chậm chạp do không nhiều người sẵn sàng tiêm vaccine trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng sau những đợt bùng phát liên tục tại các tỉnh Liêu Ninh ở Đông Bắc, An Huy ở miền Đông và Quảng Đông ở miền Nam, kể từ tháng 5, lượng người tiêm vaccine đã tăng mạnh hằng ngày, với hơn 10 triệu liều mỗi ngày, đôi khi còn gấp đôi con số này.

Nếu mỗi người được tiêm hai liều, tỷ lệ tiêm chủng chung ở Trung Quốc hiện tại vào khoảng 36%. Nếu tốc độ hiện tại tiếp tục, chắc chắn tỷ lệ tiêm chủng sẽ đạt 40% vào cuối tháng 6 theo như mục tiêu đã được đề ra từ đầu năm nay.

[Trung Quốc kêu gọi đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine trên toàn cầu]

Việc tiêm chủng hiện đang được thực hiện một cách có trật tự. Nhiều thành phố lớn đã đưa ra lộ trình và mục tiêu để đẩy nhanh việc tiêm chủng, trong đó An Huy và Thượng Hải đặt mục tiêu tiêm phòng cho 40-50% dân số vào cuối tháng 6.

Tại Bắc Kinh, tỷ lệ tiêm mũi vaccine đầu tiên cho người từ 18 tuổi trở lên đã vượt quá 80% và thành phố này hiện cũng đã cho phép người trên 60 tuổi có thể chất tốt được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Đối với nhóm người từ 3-17 tuổi sẽ tiêm chủng khi có kết quả thử nghiệm và được các chuyên gia đánh giá là đảm bảo an toàn.

Trong bối cảnh tình hình đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, việc đẩy nhanh triển khai chiến lược tiêm chủng mở rộng trong toàn dân để phòng, ngừa COVID-19 là điều thực sự rất cần thiết, dù Trung Quốc vẫn được đánh giá đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh.

Một trong những ưu thế của Trung Quốc là tự sản xuất được vaccine. Việc liên tục tăng cường sản xuất vaccine và triển khai tiêm chủng nhanh chóng đã cho thấy Chính phủ Trung Quốc phản ứng kịp thời trong cả công đoạn nghiên cứu vaccine và kế hoạch tiêm chủng đại trà chống dịch. Đây cũng là kết quả của hệ thống quản trị hiệu quả cao của nước này. 

Phó Giáo sư Chen Xi, chuyên gia y tế cộng đồng tại Đại học Yale (Mỹ), đánh giá việc Trung Quốc tiêm được 1 tỷ liều vaccine là một dấu mốc quan trọng, nhưng ông không ngạc nhiên khi con số này đạt được nhanh như vậy, vì nó phù hợp với các mục tiêu ban đầu của Trung Quốc.

Theo truyền thông Trung Quốc, kể từ ngày 10/6, một số nơi ở nước này đã thông báo sẽ ưu tiên nhiều hơn cho những người đến hạn tiêm các mũi vaccine COVID-19 thứ hai hoặc thứ ba so với những người đăng ký tiêm mũi đầu tiên.

Giới chuyên gia cho biết, sự sắp xếp này nhằm đảm bảo những người đã được tiêm mũi đầu tiên có thể hoàn thành thủ tục tiêm chủng kịp thời và xây dựng khả năng miễn dịch hiệu quả, điều này cũng sẽ giúp bảo vệ những người chưa được tiêm bất kỳ mũi nào.

Hon 1 ty lieu vaccine: Dau moc chong dich quan trong cua Trung Quoc hinh anh 2

                               Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 4/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giới chuyên gia y tế Trung Quốc nhận định, dấu mốc quan trọng đạt được hôm 19/6 trong chiến dịch tiêm chủng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không chỉ tiến gần hơn đến việc tạo được hàng rào bảo vệ miễn dịch hoàn toàn ở trong nước, mà còn góp phần đáng kể vào cuộc chiến chống dịch toàn cầu.

Ông Phong Đa Giai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp vaccine Trung Quốc, cho rằng người dân sẽ tiếp tục tích cực đăng ký tiêm chủng.

Chuyên gia này nhấn mạnh: "Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng trên 80% không còn là vấn đề. Điều cần giải quyết lúc này là làm thế nào để đảm bảo hiệu quả miễn dịch lý tưởng sau khi tiêm chủng đầy đủ cho công chúng."

Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được mục tiêu 70% dân số được tiêm phòng đầy đủ vào cuối năm nay và hình thành miễn dịch cộng đồng.

Theo tính toán của nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn, để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, giả sử vaccine có tỷ lệ bảo vệ là 70% thì Trung Quốc cần đạt tỷ lệ tiêm chủng là 83,3%, hoặc ít nhất tỷ lệ tiêm chủng là 72,9% nếu vaccine có hiệu quả 80%.

Trung Quốc hiện đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 5 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có hai loại vaccine của hai hãng dược hàng đầu là Sinovac và Sinopharm đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

Các loại vaccine của Trung Quốc đã dần dần được triển khai cho những người trong độ tuổi từ 3-17. Trên toàn cầu, vaccine do các hãng dược Trung Quốc sản xuất cũng đang được nhiều chính phủ phê duyệt và cấp phép sử dụng.

Tốc độ tiêm chủng ở Trung Quốc có thể bị chậm lại khi nước này dần đạt đến mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng 80%, so với mức 40% hiện tại, như trường hợp của nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, tốc độ chậm lại ở Trung Quốc sẽ thấp hơn so với các quốc gia khác, do nguy cơ từ các nước láng giềng và các ca bệnh nhập khẩu càng khiến người dân khẩn trương đi tiêm chủng. Ngoài ra, mùa Thu và mùa Đông có thể một lần nữa chứng kiến những ca bệnh lẻ tẻ gia tăng.

Ông Phong Đa Giai cũng cho rằng, đối với một đất nước hơn 1,4 tỷ dân, việc tiêm 1 tỷ liều vaccine chỉ là bước đầu tiên để xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng.

Theo ý kiến của chuyên gia miễn dịch học, trong bước tiếp theo, Trung Quốc nên tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vaccine để cải tiến sản phẩm cũng như khám phá quy trình tiêm chủng tốt nhất nhằm tối đa hóa hiệu quả.

Cải tiến vaccine có khả năng xử lý các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng như làm cho vaccine an toàn cho người cao tuổi sẽ là trọng tâm trong bước tiếp theo.

Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu liên quan về các mũi tiêm vaccine nhắc lại, có nghĩa là các chiến lược tiêm chủng mới có thể được bắt đầu bất cứ lúc nào nếu cần.

Phó Giáo sư Chen Xi nhận định bước tiếp theo liên quan đến việc tiêm chủng cần tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực và dân số, đảm bảo tỷ lệ bao phủ đối với người cao tuổi, những bệnh nhân mắc các bệnh nền và những nhóm người dễ bị tổn thương khác, đồng thời chuẩn bị cho việc mở cửa dần dần biên giới với thế giới trong tương lai./.

Tiến Trung (TTXVN/Vietnam+)

 

377 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 526
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 526
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87216749