Hội thảo “Phát huy giá trị đề cương về văn hóa Việt Nam” 

Ngày 24/7/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Dự và chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hồ Đại Nam - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo, hội viên tiêu biểu thuộc Hội VHNT tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị, thành phố.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quốc Khánh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Ra đời trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử, Đề cương đã khơi dậy tinh thần yêu nước, thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, vùng đứng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, làm nên thắng lợi huy hoàng của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc và qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn tiếp tục toả sáng, vẹn nguyên giá trị để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.”… “Hội thảo “Phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam” chính là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhằm khẳng định, tôn vinh ý nghĩa và tầm vóc lịch sử, kế thừa và phát huy những giá trị bền vững của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, quán triệt bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, sâu sắc và toàn diện của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Thông qua Hội thảo này giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ, nhất là văn nghệ sĩ Quảng Trị nâng cao nhận thức về giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; phát huy sức mạnh “mềm” của văn hóa và con người Quảng Trị, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.” Từ đó, đồng chí đã đưa ra một số nội dung định hướng để Hội thảo tập trung làm rõ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Quang đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội thảo lần này cũng như tầm vóc của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Cùng với đó, đồng chí đưa ra những minh chứng lịch sử thuyết phục nhằm khẳng định giá trị của 3 nguyên tắc: “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa”, “Khoa học hóa” làm nên sức sống bền vững của bản Đề cương. Đồng chí mong muốn thông qua Hội thảo lần này, các nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sĩ từ thực tiễn công tác văn hóa, văn nghệ của tỉnh nhà cũng như những nỗ lực chuyển mình của quê hương sẽ đi sâu, phân tích, rút ra những bài học quý báu; từ đó phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị và tạo động lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cũng trong Hội thảo này, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, Hội thảo cũng đã dành thời gian nhìn lại sự phát triển của văn học nghệ thuật Quảng Trị dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong suốt 75 năm qua, vấn đề phát triển đội ngũ và trách nhiệm của văn nghệ sĩ tỉnh nhà trước yêu cầu mới. Thay mặt Hội VHNT tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội nhấn mạnh: “Đồng hành trên dặm dài lịch sử 75 năm qua, văn học, nghệ thuật của cả nước, văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Trị đã đánh dấu những mốc son chói sáng góp phần làm nên diện mạo một vùng đất trải qua chiến tranh khốc liệt nhưng rất đỗi tự hào. Chặng đường 75 năm, với các tên gọi và các phương thức tổ chức, hoạt động khác nhau, Hội VHNT Quảng Trị được thành lập và lớn mạnh theo thời gian… Văn học, nghệ thuật Quảng Trị đã có bước phát triển mới đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện sáng tác văn học, lý luận, phê bình, trình diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, kiến trúc và quảng bá tác phẩm hết sức sinh động. Đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị  ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, từ chỗ vỏn vẹn chưa đến chục người thời chống Pháp, đến năm 2023 đã có 243 hội viên, trong đó có 79 hội viên các chuyên ngành Trung ương. Bên cạnh những cái tên nổi tiếng cả nước và quốc tế biết đến trước đây như: Nhà thơ Chế Lan Viên, nghệ sĩ Nhân dân Châu Loan, nhạc sĩ Trần Hoàn, nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân… thì VHNT tỉnh nhà xuất hiện nhiều tên tuổi rất tài năng được cả nước yêu mến.”

Hội thảo cũng đã lắng nghe nội dung các tham luận đến từ một số Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh và ý kiến trình bày tại Hội thảo. Với hàm lượng trí tuệ cao, nội dung phong phú, được chuẩn bị công phu, bám sát yêu cầu, chủ đề Hội thảo, các tham luận đã góp phần khẳng định giá trị to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và gợi mở nhiều ý tưởng, giải pháp để tiếp tục phát huy giá trị của Đề cương trong giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Những ý kiến tâm huyết từ phía các văn nghệ sĩ tỉnh nhà như: cần có những cơ chế quan tâm hỗ trợ để đào tạo đội ngũ kế cận cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là người trẻ; quan tâm hơn đến đời sống, chế độ chính sách cho văn nghệ sĩ, tạo động lực để họ phát huy khả năng sáng tạo và tham gia các sân chơi lớn; đưa văn hóa về cơ sở… cũng đã được tiếp thu, ghi nhận.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Hội thảo cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong công tác văn hóa, văn nghệ hiện nay của tỉnh đó là: Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ. Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp chưa chặt chẽ. Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức. Đầu tư cho văn hoá, VHNT chưa tương xứng với yêu cầu: Đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội như tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.

Kết luận Hội thảo, bên cạnh việc ghi nhận, đánh giá cao và khái quát nội dung các tham luận cũng như ý kiến đại biểu trình bày trực tiếp tại Hội thảo với 5 nội dung lớn; đồng chí Hồ Đại Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã bày tỏ sự tin tưởng: “Từ kết quả của Hội thảo này, tin tưởng mỗi đại biểu về dự Hội thảo sẽ nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về giá trị của “Đề cương văn hóa Việt Nam”, cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ; phát huy sức mạnh “mềm” của văn hóa. Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà sẽ nâng cao năng lực sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm VHNT có giá trị xứng đáng với bề dày truyền thống của quê hương.” Minh Huyền

519 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 771
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 771
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86996517