Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 3/6 Trung tâm Chiến lược Nga tại châu Á thuộc Viện Kinh tế trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) đã tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến “Những ưu tiên phục hồi hậu COVID-19 với các thành viên ASEAN: Những triển vọng hợp tác mới với Nga.”
Hội thảo có sự tham gia của gần 30 học giả Nga, Việt Nam và Philippines thuộc các cơ quan nghiên cứu uy tín như Viện Kinh tế trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN); Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông, RAN; Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương, Viện phương Đông, RAN; Trung tâm ASEAN, Đại học Ngoại giao Moskva; Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga; Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines; Trung tâm nghiên cứu khu vực, Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu Nga và các nước SNG, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Quỳnh Mai cho biết chủ đề hội thảo được đặc biệt quan tâm và có tầm quan trọng lớn đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt khi năm 2021 kỷ niệm 30 năm quan hệ và kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác đối thoại Nga-ASEAN.
[Chuyên gia: Việt Nam vẫn là điểm sáng trong hợp tác của Nga với ASEAN]
Theo Đại biện lâm thời Nguyễn Quỳnh Mai, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến các nước thành viên ASEAN và Nga, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga đối với ASEAN và hợp tác trong khu vực.
Bà Nguyễn Quỳnh Mai tin tưởng Nga sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác với ASEAN, củng cố quan hệ giữa các nền kinh tế ASEAN với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), đồng thời ASEAN và Nga cần hợp tác trong việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 phục vụ người dân các nước ASEAN.
Các đại biểu tham gia đã nghe 10 tham luận, đánh giá chung tình hình và đề cập đến các khía cạnh nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường quan hệ kinh tế giữa Nga và ASEAN.
Các diễn giả nhìn chung cho rằng ASEAN là khu vực duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và ASEAN vẫn ở mức thấp nên cần khắc phục vấn đề này, dù Liên bang Nga có những lợi thế trong quan hệ với ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam.
Ông Pavel Kalmychek, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác kinh tế đa phương và các dự án đặc biệt của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, đã nêu các ưu tiên hợp tác của Nga với ASEAN gồm: mở rộng cung cấp các sản phẩm công nghiệp, nông sản, dược phẩm; tăng cường xuất khẩu dịch vụ y tế, giáo dục, kỹ thuật, vận tải và hậu cần; thực hiện các dự án đầu tư chung về nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, kinh tế số và năng lượng, kể cả hạt nhân; tiếp cận khai thác tài nguyên thiên nhiên, thăm dò tài nguyên khoáng sản, phát triển và khai thác các mỏ; mở rộng tương tác trong EAEU; phát triển hợp tác đa phương với ASEAN trong khuôn khổ Đối tác Đối thoại Nga-ASEAN.
Trong tham luận của mình, bà Elena Burova, chuyên viên nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, RAN, cho rằng chừng nào người dân các nước ASEAN chưa được tiêm phòng ngừa COVID-19 thì tình hình phát triển kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn và khó có thể phát triển quan hệ song phương với Nga. Chính vì vậy, vaccine ngừa COVID-19 của Nga có thể có ý nghĩa lớn đối với các nước thành viên ASEAN.
Tham luận của đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khu vực, Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam, được nhiều học giả Nga đánh giá cao.
Trong tham luận, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định Nga và ASEAN có nhiều cơ hội hợp tác lớn, cụ thể là các lĩnh vực y tế: vaccine, cung cấp y tế, nghiên cứu chung; lương thực & nông nghiệp: an ninh và an toàn lương thực, nông nghiệp chất lượng cao; thực phẩm; năng lượng: dầu khí, năng lượng tái tạo; thương mại: FTA giữa EAEU với các thành viên ASEAN; chuyển đổi kỹ thuật số; giao thông: kế hoạch kết nối ASEAN tổng thể đến năm 2025; phát triển bền vững: phục hồi xanh, tăng trưởng xanh.../.
Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)