Hội nghị tương tác về vận động tăng cường đầu tư cho giáo dục và y tế 

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) tổ chức Hội nghị tương tác về vận động tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế tại Việt Nam.
Ông Phan Anh Sơn, Trưởng ban điều phối viện trợ nhân dân (ngồi giữa) phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Khánh Lan)

Tham dự Hội nghị có: ông Phan Anh Sơn, Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM); bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid tại Việt Nam cùng gần 50 đại biểu thuộc các bộ, ban, ngành và đại diện của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội ở Việt Nam.

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Anh Sơn, Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân cho biết: Hội nghị tương tác về vận động tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế tại Việt Nam là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong phát triển nông thôn” do Ủy ban Châu Âu và ActionAid tại Việt Nam đồng tài trợ. Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu, các nhà hoạch định chính sách cùng trao thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao vị thế của các tổ chức xã hội trong cuộc chiến chống đói nghèo và nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giảm bất bình đẳng kinh tế và xã hội ở Việt Nam.

Tại Hội nghị, đại diện tổ chức Tổ chức ActionAid tại Việt Nam cho biết: Tháng 11 vừa qua, báo cáo nghiên cứu “Chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam – một số quan sát và khuyến nghị” do ActionAid Việt Nam (AAV) và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện đã được công bố tại Hà Nội. Nghiên cứu được thực hiện tại 7 địa phương ở Việt Nam bao gồm cả thành thị và nông thôn, từ tháng 7 đến tháng 9/2016, đưa ra một góc nhìn độc lập về chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân tại một số địa phương.

Nghiên cứu tái khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân thông qua các dự án đầu tư công cho các dịch vụ công thiết yếu. Về y tế, Việt Nam đứng thứ hai từ dưới lên (2007) và thứ năm từ trên xuống (2014) trong số các nước ASEAN về chi tiêu công cho y tế trên tổng chi y tế, tỷ lệ này có tăng lên theo thời gian (31% năm 2007 và 54,1% năm 2014). Tuy vậy, khó khăn về đội ngũ y bác sỹ ở tuyến cơ sở (vừa thiếu vừa yếu) ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nhóm cận nghèo còn thấp (55%) dù được hỗ trợ từ 70% mệnh giá bảo hiểm trở lên.

Về giáo dục, mặc dù chi tiêu công cho giáo dục trên tổng chi cho giáo dục của Việt Nam đứng thứ hai từ trên xuống trong khu vực ASEAN, phần lớn (gần 82%) chi này là cho chi thường xuyên. Điều này cũng có nghĩa là các nhu cầu đầu tư để cải tiến chất lượng giáo dục còn rất hạn chế. Các cơ sở đào tạo được giao tự chủ tài chính nhưng lại không được giao tự chủ mức thu học phí, do đó việc tự chủ tài chính là không thực chất.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid tại Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của mình trong việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân thông qua các dự án đầu tư công cho các dịch vụ công thiết yếu. Quan trọng hơn, cần huy động được người dân tham gia với vai trò bình đẳng trong xây dựng quy hoạch, đóng góp chi phí, thực hiện và giám sát các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả của các dịch vụ thiết yếu nhất, đáp ứng được nhu cầu phát triển của người dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, đề xuất các giải pháp trong việc đảm bảo duy trì tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho các dịch vụ y tế, giáo dục, đặc biệt tại các khu vực khó khăn, từ đó có những kế hoạch vận động chính sách để đảm bảo hiệu quả của chi ngân sách nhà nước cho các dịch vụ công tại Việt Nam./.

902 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 381
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 381
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89251638