Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Trung ương MTTQVN đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng, ký kết 10 chương trình phối hợp về giám sát và tổ chức triển khai các đoàn giám sát liên ngành.
Trong 3 năm, UBMTTQVN cấp tỉnh chủ trì 721 cuộc giám sát, UBMTTQVN cấp huyện chủ trì 6.404 cuộc; UBMTTQVN cấp xã chủ trì giám sát 49.564 cuộc. Ở cấp tỉnh tổ chức 784 cuộc phản biện xã hội; cấp huyện chủ trì 4.043 cuộc; cấp xã chủ trì 25.834 cuộc. Các cấp Mặt trận trong nước đã tổ chức 90.741 cuộc đối thoại trực tiếp, góp phần xây dựng môi trường dân chủ về đời sống chính trị - xã hội của cả nước.
Có thể nói, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQVN góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Nhiều ý kiến sau giám sát của Mặt trận các cấp đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Tại Quảng Trị, 3 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị, UBMTTQVN tỉnh đã chủ trì tổ chức 12 cuộc giám sát; 95 cuộc phản biện xã hội; đóng góp 48 nội dung góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chương trình giám sát thực hiện có hiệu quả như: Giám sát tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng; giám sát thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới; giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai các cơ sở tôn giáo; giám sát việc tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ kết quả, nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác giám sát, phản biện xã hội đối với Mặt trận các cấp thời gian tới.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN nhấn mạnh, để thực hiện tốt các hoạt động giám sát, phản biện thời gian tới, Mặt trận các cấp cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, thảo luận với chính quyền trước khi tổ chức các cuộc giám sát để mang lại hiệu quả trong giải quyết, xử lý các vụ việc.
Hiện việc triển khai việc giám sát, phản biện xã hội giữa Mặt trận các địa phương vẫn chưa đồng đều cả về số lượng và chất lượng, vì vậy thời gian tới Mặt trận và Ban Dân vận các cấp cần rà soát quy chế phối hợp, có hướng dẫn cụ thể nhằm đưa hoạt động này đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tác dụng đối với xã hội.
Lâm Thanh