Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có đồng chí Nguyễn Văn Hùng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Đức Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Đức Chính - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI; Lãnh đạo các Ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy và các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn.
Tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính Trị, Thủ tướng Chính Phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết trong Hội nghị lần này là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội XII của Đảng đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng Đảng đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thằng lợi của sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng chí yêu cầu, trong quá trình học tập, nghiên cứu toàn hệ thống chính trị cần thống nhất nhận thức đúng đắn các nội dung trong các nghị quyết liên quan đến vấn đề kinh tế, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.
Quán triệt nội dung Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng Ban Kinh tế Trng ương khẳng định: Thời gian tới cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, đồng chí đã nêu ra nhiều nhóm giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt mà Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII đã đề ra.
Về Nghị quyết số 11- NQ/TW, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản trong đường lối phát triển kinh tế ở nước ta, một sáng tạo mới của Đảng về mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ đó chỉ rõ trước mắt cần khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vưỡng mắc về thể chế kinh tế để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại, đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối với Nghị quyết số 12-NQ/TW, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đồng chí khẳng định: Thời gian qua, dù còn nhiều yếu kém nhưng 100% doanh nghiệp đã nổ lực vươn lên trong sản xuất kinh doanh và đạt được nhiều kết quả. Thời gian tới, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp thực sự phát huy được vai trò then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đồng chí nhấn mạnh: Để Nghị quyết đi vào cuộc sống có hiệu quả, đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ để nắm vững, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc, thấy được sự cần thiết phải kiên quyết, kiên trì khắc phục những yếu kém, khuyết điểm với quyết tâm chính trị cao. Yêu cầu các cấp cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tổ chức Đảng... phải xây dựng chương trình hành động của cấp mình, kiểm tra giám sát việc xây dựng chương trình hành động của cấp dưới; xác định những việc cần làm và phải kiên quyết làm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị sát với tình hình thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực. Các tổ chức Đảng, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để gương mẫu, tự giác thực hiện Nghị quyết; phát huy tính chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; Quan tâm chỉ đạo xử lý ngay các vụ việc nổi cộm, bức xúc, nhất là các vụ việc tham nhũng, lãng phí, những sai phạm liên quan đến kinh tế; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đối với các cơ quan Trung ương, đồng chí cũng nêu rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị liên quan trong việc chủ trì, phối hợp với nhau nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ Chính trị Đề án đổi mới phương thức lãnh đạo, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước; Tổ chức việc học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết, kết quả thực hiện Nghị quyết, chú trọng việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết; thực hiện sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Châu Minh - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.