Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao đã thông tin chuyên đề “Cục diện thế giới hiện nay - Tác động và chính sách của Việt Nam”. Trong thời gian làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia xử lý khoảng 40 vụ việc liên quan đến các điểm nóng về an ninh trên thế giới như: Haiti, Trung Đông… Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống thì vấn đề an ninh phi truyền thống cũng đang là thách thức toàn cầu. Hai trong số đó là, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã và gây ra sức ép rất lớn cho nền kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia. Trong đó, nhờ có các biện pháp ứng phó linh hoạt và thực hiện tốt chính sách “ngoại giao vaccine”, Việt Nam dần đã kiểm soát được dịch bệnh. Biến đổi khí hậu đã tạo ra nhận thức chung cho cộng đồng quốc tế trong ứng phó và hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trong đó có Việt Nam.
Thời gian tới, ngành ngoại giao tiếp tục thống nhất cao về nhận thức và quyết tâm, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại “kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược ngoại giao”, độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia và dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Về phía Bộ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin chuyên đề "Một số kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới”. Theo đó, khi có Nghị quyết 128, các bộ, ban, ngành đã quán triệt sâu sắc, trong đó đặc biệt là Bộ y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Ngoại giao. Nghị quyết đã tạo được khung pháp lý vững chắc cho các địa phương thực hiện và đạt được nhiều kết quả như: Dịch Covid-19 trong tầm kiểm soát; tỷ lệ tử vong giảm sâu so với thời điểm 2-2021 (2,45%) đến tháng 2-2022 còn 1,24%; an ninh, văn hóa, xã hội được bảo đảm… Trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương qua 2 năm chống dịch tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả phòng, chống dịch, báo cáo, tham mưu cho Chính phủ, Bộ y tế. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vaccine; củng cố, hoàn thiện các trung tâm điều trị tại các địa phương; tăng cường năng lực về nhân lực y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng; đẩy mạnh thực hiện khám, chữa bệnh từ xa cho người dân; tăng cường các nguồn lực cho các địa phương khó khăn; truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong phòng chống, dịch…
Phát biểu định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: trước tình hình, bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, đề nghị các báo cáo viên, tuyên truyền viên tuyên truyền tốt, đúng đắn lập trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với các vấn đề quốc tế. Chú trọng các yếu tố, thành tố về luật pháp quốc tế; đề cao hòa bình, đối thoại, đàm phán, hòa giải; nêu cao tinh thần, đoàn kết, nhân đạo, nhân văn; không trích dẫn những thông tin thiếu kiểm chứng, từ ngữ không phù hợp, chỉ trích tiêu cực về các bên liên quan. Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục tuyên truyền làm rõ sự chỉ đạo sát sao, đúng đắn của Đảng, của hệ thống chính trị mang lại sự hiệu quả trong suốt thời gian qua, tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt để bảo đảm hiệu quả lao động, sản xuất, hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Chủ động thực hiện công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong tháng 3 của đất nước.
Lê Liên