Đ/c Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tỉnh Quảng Trị cơ bản hoàn thành một số chỉ tiêu cụ thể về xây dựng văn hóa và con người theo Kế hoạch số 2436/KH-UBND của UBND tỉnh. Tính đến 31/12/2023, toàn tỉnh có 94,3% gia đình được công nhận gia đình văn hoá, 96,8% làng, bản, khu phố, khu dân cư được công nhận đạt chuẩn văn hoá; 91,5% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, 50% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, có 78,4% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn, 96,5% làng, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao…
Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam, con người Quảng Trị phát triển toàn diện là nội dung quan trọng hàng đầu trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu và xây dựng đề tài khoa học: “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển”. Cùng với đó, công tác giáo dục đào tạo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương coi trọng. Việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến nền văn hóa, làm tha hóa con người, đặc biệt là đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng được đẩy mạnh. Công tác xây dựng môi trường văn hoá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá được quan tâm triển khai có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng các phong trào yêu nước khác đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy giá trị. Đặc biệt, năm 2017, UNESCO đã công nhận “Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam” (trong đó có Quảng Trị) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; năm 2023, Nghệ thuật trình diễn dân gian “Hò Giã Gạo” và “Lễ hội Ariêupiing của người Tà Ôi/Pa Cô tỉnh Quảng Trị” đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông đảo các văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong Nhân dân. Khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội từng bước được thu hẹp.
Việc giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch với các tỉnh, vùng miền, các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây và các tỉnh trong tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện, tạo tiền đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang khẳng định rằng, so với các lĩnh vực khác, lĩnh vực văn hóa và xây dựng con người Quảng Trị có sự phát triển vượt bậc. Đồng chí đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc góp phần làm nên những thành tích chung đó. Bên cạnh đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: chưa có chiến lược phát triển văn hóa một cách toàn diện; chưa phát huy hết tiềm năng của các di tích; việc bảo tồn và phát huy các sản phẩm văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể chưa được như kỳ vọng của người dân… Để thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Quảng Trị phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời đại mới, đồng chí Nguyễn Đăng Quang đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn xã hội về tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Quảng Trị, chú trọng tuyên truyền về truyền thống văn hóa, lịch sử, quảng bá nền văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của tỉnh. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Chú trọng triển khai các chương trình bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh; tích cực tranh thủ thành tựu của cách mạng 4.0 trong bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, riêng có của các dân tộc trên địa bàn. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về văn hóa, văn nghệ của tỉnh. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ. Phát triển con người Quảng Trị với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường, văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân. Tập trung nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực hoạt động văn hóa.
Cũng trong dịp này, 10 tập thể, 10 cá nhân đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW. Minh Huyền