Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của hàng hóa và dịch vụ châu Âu, sau Mỹ.

Tuy nhiên, sau nhiều năm cung cấp quyền tiếp cận miễn phí vào các thị trường của mình, EU cho biết họ đang mất dần kiên nhẫn khi Bắc Kinh chậm mở cửa thị trường cho các công ty nước ngoài và tiến hành cải cách mở cửa phát triển kinh tế, tự do thương mại.

Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã đề ra một kế hoạch hành động mười điểm, trong đó sẽ giúp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, nhưng đòi hỏi phải có đi có lại, bao gồm cả việc cho phép các doanh nghiệp của EU được tiếp cận với thị trường Trung Quốc, các công ty của EU được tiếp cận với các hạng mục đấu thầu công khai của Trung Quốc.

Bắc Kinh và Brussels đã cố gắng trong nhiều tuần để thống nhất văn bản của tuyên bố chung cho hội nghị thượng đỉnh song phương lần này. Tuy nhiên, tới tối 8/4, các nhà đàm phán vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về một tuyên bố chung, mặc dù đã đạt được một số bước tiến. Các cuộc thảo luận tiếp tục được tiến hành vào hôm nay (9/4).

Trong một bài báo đăng trên tờ Handelsblatt của Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh muốn hợp tác với EU về các vấn đề từ biến đổi khí hậu cho đến thương mại và bác bỏ cáo buộc rằng Trung Quốc đang cố gắng chia rẽ người châu Âu bằng cách đầu tư vào các nước phía Đông EU.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu diễn ra trong hai ngày 8 – 9/4 tập trung vào vấn đề cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại, thu hút đầu tư và cùng xóa bỏ những khoản thuế chống bán phá giá./.

Khánh Linh (Theo Reuters, AFP)