Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 đã khai mạc ngày 4/10 tại Trung tâm tiếng Pháp quốc tế, trong khuôn viên của lâu đài Villers-Cotterêts, cách thủ đô Paris 80km.
Tại nơi này cách đây gần 500 năm, vua François I đã ký sắc lệnh chính thức sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ hành chính vào tháng 8/1539, thay thế tiếng Latinh.
Với chủ đề: “Sáng tạo, đổi mới và hành động bằng tiếng Pháp,” Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 thu hút sự tham gia của gần 160 phái đoàn và 60 nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ, đến từ gần 100 nước trong đó có 88 quốc gia thành viên và quan sát viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Đoàn Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu tham gia các hoạt động của hội nghị.
Đây là lần thứ 3 nước Pháp đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ và là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại lâu đài Villers-Cotterêts.
Năm thế kỷ sau sắc lệnh của vua François I, tiếng Pháp đã trở thành phương tiện giao tiếp và chia sẻ của một phần không nhỏ trên thế giới. Đây cũng là lần thứ 3, Pháp đăng cai hội nghị được tổ chức 2 năm một lần này.
Năm 1986, Pháp đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ nhất tại Versailles, và Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 4 cũng đã tại thủ đô Paris năm 1991, cách đây 33 năm.
Theo nhận định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đại gia đình cộng đồng nói tiếng Pháp, với 321 triệu người sống trên khắp 5 châu, đóng vai trò quyết định trong sự hòa hợp của các quốc gia, nhằm duy trì các giá trị dân chủ và tôn trọng nhân quyền và sự đa dạng.
Bên cạnh đó các nước và lãnh thổ nói tiếng Pháp do cùng sử dụng một ngôn ngữ và chia sẻ các giá trị chung, nên có lợi thế vô cùng to lớn trong việc tăng cường trao đổi, dù là thương mại, giáo dục hay văn hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, đưa sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ vào lĩnh vực kỹ thuật số là một trong những thách thức của thế kỷ văn minh này và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trở thành tài sản tuyệt vời đối với tiếng Pháp cũng như các ngôn ngữ khác, nếu biết tận dụng thế mạnh của AI.
"Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ cho phép chúng ta khám phá những con đường hợp tác mới, bởi vì việc giải quyết những thách thức này sẽ là nhiệm vụ của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đoàn kết và nỗ lực," Tổng thống Pháp khẳng định và cho rằng Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, với sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên, đã, đang và sẽ cần phải tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Về phần mình, Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Louise Mushikiwabo, cũng cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này là đỉnh cao của một hành trình, được khởi động từ năm 2019, về hiện đại hóa, tái tập trung và triển khai các hoạt động tối ưu nhất nhằm phục vụ người dân, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ.
"Nhận thức được những thách thức địa chính trị và xã hội ảnh hưởng đến thế giới và khu vực nói tiếng Pháp, ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi kỹ thuật số, quan tâm đến các vấn đề giáo dục, tập trung thúc đẩy sự hấp dẫn kinh tế và khả năng làm việc trong đó có tính đến các thách thức môi trường, cam kết đa dạng hóa văn hóa, quan tâm đến sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới và trên hết lắng nghe tiếng nói của giới trẻ, hy vọng rằng với tất cả những hành động này, Tổ chức của chúng ta sẽ tiến nhanh hơn, cao hơn và mạnh mẽ hơn," bà Louise Mushikiwabo bày tỏ.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19, lãnh đạo các nước thành viên cùng nhau xem xét báo cáo của Tổng thư ký về hoạt động của OIF thời gian qua, báo cáo của Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 45 (CMF-45), thông cáo của Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), trao đổi về các vấn đề thời sự và các cuộc khủng hoảng quốc tế lớn hiện đang có nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cộng đồng quốc tế nói chung và các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp nói riêng.
Xoay quanh chủ đề “Sáng tạo, đổi mới và thực hiện bằng tiếng Pháp,” Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 cũng là dịp để các nguyên thủ quốc gia và chính phủ tập trung mối quan tâm vào sự sáng tạo, đổi mới và tinh thần kinh doanh, những nhân tố quyết định cho tương lai của tiếng Pháp.
Đặc biệt, phiên thảo luận chuyên đề bàn tròn với chủ đề “Sáng tạo, đổi mới và tạo việc làm bằng tiếng Pháp cho thanh niên” thu hút sự tham gia lần đầu tiên của các nhà sáng tạo trẻ, các nhà đổi mới và doanh nhân.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh, nhiều sự kiện văn hóa, kinh tế đã được tổ chức. Trong khi Làng Pháp ngữ làm nổi bật sự phong phú được thể hiện ở các gian hàng của nhiều quốc gia, thì Ngày hội Pháp ngữ góp phần tôn vinh sự đa dạng văn hóa thông qua tiếng Pháp, và diễn đàn FrancoTech trở thành điểm hẹn của những đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ kỹ thuật số trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Là một thể chế dành riêng cho việc quảng bá tiếng Pháp và thúc đẩy hợp tác chính trị, giáo dục, kinh tế và văn hóa trong 88 quốc gia và lãnh thổ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) được thiết lập bởi Hiến chương của Cộng đồng Pháp ngữ, được thông qua năm 1997 tại Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội.
Cơ quan có thẩm quyền cao nhất của OIF là Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ, và người đứng đầu là Tổng thư ký, được bầu 4 năm một lần. Bà Louise Mushikiwabo đảm nhiệm vị trí này từ năm 2020.
Với sứ mệnh “thúc đẩy tiếng Pháp,” “hòa bình, dân chủ và nhân quyền,” “hỗ trợ giáo dục” và “phát triển hợp tác kinh tế," OIF triển khai hợp tác đa phương cùng với Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF) và 4 cơ quan điều hành trụ cột là Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF), TV5MONDE, Hiệp hội thị trưởng nói tiếng Pháp quốc tế (AIMF) và Đại học Senghor ở Alexandria.
Tiếng Pháp hiện được 321 triệu người trên thế giới sử dụng, chiếm 3% dân số toàn cầu và là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 5 trên thế giới.
Theo ước tính của OIF, đến năm 2050 con số này có thể lên tới hơn 715 triệu người, tương đương 8% dân số thế giới. Và vào năm 2060, thế giới dự kiến có 760 triệu người nói tiếng Pháp./.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên chủ chốt, tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng Pháp ngữ.