Hội nghị thượng đỉnh G7 chưa đạt được đồng thuận về vấn đề khí hậu 

(ĐCSVN) – Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất G7 vừa kết thúc ngày 27/5 tại Taormina trên đảo Sicily (Italy) song chưa đạt được thống nhất xung quanh Thỏa thuận Paris về khí hậu, vấn đề được xem là gai góc nhất của cuộc họp lần này.
Hội nghị thượng đỉnh G7 chưa đạt được đồng thuận về vấn đề khí hậu

Trong tuyên bố cuối cùng được đưa ra, 7 quốc gia công nghiệp phát triển đã lưu ý những khác biệt còn tồn tại trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định về việc có hành động chống lại sự nóng lên toàn cầu hay không.

Về phần mình, Mỹ cho biết việc “xem xét” lại chính sách chống biến đổi khí hậu của họ vẫn chưa kết thúc. Viết trên trang mạng Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump – nhà lãnh đạo tập trung toàn bộ sự chú ý của Hội nghị thượng đỉnh G7 – chỉ ra rằng: “Tôi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng của mình về Thỏa thuận Paris vào tuần tới”. Trong khi đó, 6 quốc gia phát triển khác tham dự Hội nghị (Đức, Canada, Pháp, Anh, Italy, Nhật Bản) tiếp tục chờ đợi, đồng thời khẳng định cam kết vững chắc áp dụng thỏa thuận từng được kết luận tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris hồi tháng 12/2015.

“Mỹ đang thực hiện tiến trình đánh giá chính sách của họ về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris, và không thể tham gia vào tiến trình đồng thuận về những chủ đề này” – Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G7 nêu rõ. “Hiểu được tiến trình này, (các thành viên khác của G7) tái khẳng định cam kết vững chắc thực hiện nhanh chóng Thỏa thuận Paris”.

Những người lạc quan thì cho rằng mặc dù thiếu vắng bước tiến quan trọng song việc chia sẻ mục tiêu cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng cho phép tránh được tình trạng suy giảm về khí hậu vốn có thể gây ra những tác động rất tiêu cực. Tổng thống Pháp Emmanuen Macron ngày 27/5 bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tuân thủ Thỏa thuận Paris về khí hậu. Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Hội nghị, nhà lãnh đạo Pháp cho biết “đã có tiến bộ và có những cuộc thảo luận và trao đổi thực sự”. Tổng thống Emmanuen Macron thừa nhận “có một bất đồng” song ông hy vọng “sẽ giảm các khoảng cách”, đồng thời nhấn mạnh với Tổng thống Donald Trump về tầm quan trọng của Mỹ trong việc thực thi đầy đủ Thỏa thuận Paris và cho rằng thỏa thuận này có ý nghĩa to lớn đối với các lợi ích cũng như uy tín của Mỹ.

Tuy nhiên, trang thông tin Axios vừa trích dẫn các nguồn tin thân cận cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với một số thành viên trong đoàn về dự định sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu.

Thỏa thuận Paris về khí hậu bắt đầu hiệu lực từ ngày 4/10/2016 sau khi có ít nhất 55 quốc gia chiếm 55% lượng phát thải toàn cầu phê chuẩn Thỏa thuận. Mỹ và Trung Quốc đã phê chuẩn Thỏa thuận vào đầu tháng 9/2016./.

Khánh Linh (Theo AFP, Reuters, AP)

544 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1528
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1528
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88994872