Bản tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như toàn thể cộng đồng thế giới thống nhất trong khuôn khổ liên minh rộng rãi chống khủng bố quốc tế dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các quyết định tương ứng của nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc."
CSTO cũng bày tỏ lo ngại trước hiện tượng lực lượng khủng bố có thể sử dụng chiến thuật cử các chiến binh nước ngoài thâm nhập vào các nước dưới vỏ bọc người tị nạn để tổ chức các hoạt động phá hoại và khủng bố.
Điều này buộc CSTO phải tăng cường hợp tác liên chính phủ để phát hiện và bắt giữ những đối tượng khủng bố người nước ngoài nói trên khi đi qua biên giới quốc gia, cũng như nâng cao hiệu quả cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới.
Các nước thành viên CSTO đánh giá cao những hành động toàn diện mà Nga áp dụng trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế tại Syria, cũng như việc Kazakhstan cung cấp địa điểm tổ chức các cuộc gặp quốc tế về Syria tại Astana, nhờ đó đã khởi động được tiến trình giảm căng thẳng ở quốc gia Trung Đông này và tạo điều kiện để hồi sinh các cuộc đàm phán tại Geneva.
CSTO tuyên bố không chấp nhận "bất cứ ý định nào giải quyết các vấn đề liên quốc gia và tranh chấp quốc tế bằng cách sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực."
Theo các lãnh đạo CSTO, tổ chức này cũng không chấp nhận cách thức giải quyết xung đột giữa các dân tộc và tôn giáo và chế độ nhà nước bằng các biện pháp khác bao gồm cả việc áp dụng cái gọi là "cách mạng màu" và "chiến tranh lai ghép."
Các thành viên CSTO khẳng định nguyên tắc ưu tiên các biện pháp chính trị - ngoại giao trong việc giải quyết và điều hòa các cuộc xung đột.
Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xung đột trong quan hệ quốc tế, các nước CSTO khẳng định sẽ nỗ lực để bảo đảm đáp trả bất cứ âm mưu nào gây bất ổn tình hình, vi phạm hòa bình và an ninh trong khu vực.
Tuyên bố chung cũng nhắc lại CSTO đơn thuần là tổ chức phòng thủ, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng, tính đến lợi ích hợp pháp của nhau.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo CSTO đã thông qua hơn 20 văn kiện, trong đó có tuyên bố về củng cố tiềm lực quốc phòng CSTO và ủng hộ những nỗ lực trung gian giải quyết tình hình tại Nagorhy Karabakh, Tuyên bố của lãnh đạo CSTO nhân dịp 25 năm ký Hiệp ước an ninh tập thể và 15 năm thành lập CSTO, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin và quyết định về hoàn thiện các biện pháp đấu tranh chống di cư bất hợp pháp.
Lãnh đạo CSTO cũng ký kế hoạch thực hiện Chiến lược an ninh tập thể CSTO giai đoạn đến năm 2025, đồng thời tán thành biểu tượng và cờ của CSTO.
Hiệp ước an ninh tập thể được các nước ký ngày 15/5/1992 tại Tashken, Uzbekistan.
Tháng 5/2002, Hội đồng An ninh tập thể thông qua quyết định về cải tổ các cơ chế và cấu trúc hợp tác giữa các nước thành viên tham gia hiệp ước thành tổ chức khu vực quốc tế là CSTO.
Tháng 9/2003, điều lệ CSTO có hiệu lực. Hiện nay, CSTO bao gồm các thành viên là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan./.