Hội nghị thượng đỉnh công nghệ quốc phòng Singapore lần thứ 4 

Theo Phó Thủ tướng Singapore, các quốc gia và quân đội các nước cần hợp tác chặt chẽ với tư nhân để bảo đảm rằng công nghệ mới sẽ đóng góp cho việc bảo đảm thay vì gây hại an ninh quốc gia.
Hội nghị thượng đỉnh công nghệ quốc phòng Singapore lần thứ 4

Hội nghị thượng đỉnh công nghệ quốc phòng Singapore lần thứ 4, do Cơ quan Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTA) Singapore tổ chức, diễn ra từ ngày 22-24/3 tại khách sạn Shangri-La

Hội nghị có sự tham dự của hơn 600 đại biểu trực tiếp từ 25 quốc gia và hơn 800 người tham gia trực tuyến từ khắp các khu vực trên thế giới.

Với chủ đề “Công nghệ lưỡng dụng và kỹ thuật số-Cơ hội và mối đe dọa," hội nghị năm nay sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận về các vấn đề cấp bách mà lĩnh vực quốc phòng đang phải đối mặt, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và công nghệ lưỡng dụng, những tác động của nó đối với an ninh và quốc phòng của các quốc gia cũng như với tương lai của hệ sinh thái quốc phòng và các chiến trường.

[Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng Việt Nam-Singapore]

Phát biểu tại tiệc khai mạc hội nghị tối 22/3, Quốc vụ khanh cao cấp Bộ Quốc phòng Singapore Zaqy Mohamad cho biết công nghệ tân tiến và sáng tạo định hình xung đột và ảnh hưởng đến cán cân quyền lực giữa các quốc gia.

Đặc biệt, các công nghệ lưỡng dụng và kỹ thuật số đang trải qua một cuộc cách mạng liên tục, với đặc trưng là sự phát triển nhanh chóng và phổ biến rộng rãi của các công nghệ mới có ứng dụng dân sự hoặc quân sự.

Trong bài phát biểu sáng 23/3, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho rằng thời của công nghệ tiên tiến bắt nguồn từ nghiên cứu do chính phủ hỗ trợ đã không còn, khi công tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực tư nhân đang vượt xa lĩnh vực công ở đại đa số các nước phát triển.

Chính vì thế, các quốc gia và quân đội các nước cần hợp tác chặt chẽ với lĩnh vực tư nhân để bảo đảm rằng công nghệ mới sẽ đóng góp cho việc bảo đảm thay vì gây hại an ninh quốc gia.

 

Diễn ra trong 3 ngày, hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ có các phiên thảo luận về những bài học công nghệ rút ra từ các cuộc xung đột gần đây, làm thế nào để bảo đảm an toàn và giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng quốc phòng, quan hệ đối tác mới trong hệ sinh thái quốc phòng số... với sự tham dự của 40 diễn giả hàng đầu thế giới trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Ông Roy Chan, Phó Giám đốc điều hành của DSTA kiêm Chủ tịch Ủy ban tổ chức hội nghị, cho biết  hội nghị thượng đỉnh công nghệ được tổ chức với kỳ vọng trở thành một diễn đàn thế giới để quy tụ các nhà lãnh đạo từ các chính phủ, ngành công nghiệp quốc phòng, học viện và các chuyên gia tư vấn trên toàn cầu nhằm kết nối mạng lưới, chia sẻ các ý tưởng và quan điểm, đồng thời hợp tác phát triển công nghệ để đối mặt với những thách thức trong tương lai về quốc phòng và an ninh.

Hội nghị thượng đỉnh công nghệ quốc phòng 2023 kết hợp các yếu tố khác nhau - các phát biểu của lãnh đạo chính phủ, trò chuyện bên lề và các phiên họp toàn thể, trình diễn công nghệ và khu vực giới thiệu công nghệ, cũng như các sự kiện kết nối và tham quan gian hàng trên nền tảng web - nhằm tạo ra các hoạt động tiếp xúc có ý nghĩa và có thể mang lại kết quả./.

Lê Dương-Tất Đạt (TTXVN/Vietnam+)

 

145 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 965
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 967
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226942