Các đề xuất nhằm cải thiện hệ thống và kết nối đường sắt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan dự kiến diễn ra tại Thái Lan vào đầu tháng 11.
Quyền thống đốc Công ty Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) Worawut Mala cho biết các chủ đề sẽ được thảo luận bao gồm phát triển kết nối đường sắt của ASEAN, những cách thức nhằm quảng bá hệ thống đường sắt quốc gia và nâng cấp đường sắt.
Cổng thông tin trực tuyến đường sắt ASEAN đã được khai trương tại Hội nghị các giám đốc đường sắt ASEAN diễn ra ở Thái Lan ngày 28/10 nhằm cung cấp cho công chúng thông tin về các tuyến đường sắt ở bảy nước ASEAN là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Worawut nói rằng Thái Lan hiện có năm dự án khác nhau mà nước này dự định sử dụng để kết nối hệ thống đường sắt với các nước láng giềng.
Thái Lan có kế hoạch kéo dài tuyến hướng Nam từ thị trấn Sungai Kolok của tỉnh Narathiwat tới hệ thống đường sắt của Malaysia ở Padang Besar, qua đó kết nối Thái Lan với hệ thống đường sắt của Singapore.
Ở vùng Đông Bắc, Thái Lan cùng với Lào và Trung Quốc đang phát triển một hệ thống đường sắt cao tốc để giúp giảm bớt thời gian đi lại từ Thái Lan tới Côn Minh và Bắc Kinh thông qua Lào. Từ Bắc Kinh, hành khách sẽ có thể tới Nga và những nước châu Âu khác bằng tàu hỏa.
Còn khu vực miền Đông, Thái Lan và Campuchia hồi đầu năm nay đã ký một bản ghi nhớ (MoU) để bắt đầu kết nối các hệ thống đường sắt của hai nước, từ Aranyaprathet thuộc tỉnh Sa Kaeo của Thái Lan tới thị trấn Poipet của Campuchia.
Ở miền Tây, Thái Lan và Myanmar đang đàm phán về một đề xuất nối các hệ thống đường sắt của hai nước từ đèo Ba Chùa (Three Pagodas Pass), một đèo núi giữa Sangkhla Buri thuộc tỉnh Kanchanaburi của Thái Lan và Payathonsu thuộc Myanmar, tới Dawei của Myanmar.
[Thủ tướng sẽ dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và hội nghị liên quan]
Theo ông Worawut, ngoài bốn dự án trên, Thái Lan và Malaysia cũng đang thảo luận về kế hoạch nối lại hoạt động của tuyến đường sắt Sugnai Kolok-Pasir Mas để phục vụ cho phát triển kinh tế và thương mại biên giới.
Trong nội địa Thái Lan, SRT vừa mới ký hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc có chiều dài 220km nối ba sân bay quốc tế lớn là Don Mueang và Suvarnabhumi ở Bangkok và U-Tapao ở tỉnh Rayong, với tốc độ tàu chạy lên tới 250km/h.
Theo kế hoạch, việc xây dựng tuyến đường sắt nối ba sân bay quốc tế sẽ bắt đầu trong vòng 12 tháng tới hoặc tháng 10/2020 và tuyến đường sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.
Tuyến đường sắt cao tốc Bangkok-Nakhon Ratchasima đang được đẩy nhanh và dự kiến đi vào phục vụ vào giữa năm 2023-2024. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang nghiên cứu xây dựng tuyến Nakhon Ratchasima-Nong Khai và lên kế hoạch xây một cầu đường sắt để nối Nong Khai với thủ đô Vientiane của Lào.
Tờ Bangkok Post cho biết kế hoạch của SRT dự kiến được công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN là một kế hoạch năm năm nhằm mở rộng mạng lưới đường sắt của Thái Lan từ 800km hiện nay lên tổng chiều dài 4.565km, trong đó có 841km đường sắt thông thường, 1.248km đường sắt cao tốc...
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra ở Bangkok và tỉnh lân cận Nonthaburi từ ngày 2-4/11.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết dưới sự chủ trì của nước chủ nhà, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề như hợp tác, xây dựng ổn định theo hướng bền vững, quản lý biên giới, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa, phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuẩn bị cho thế hệ mới, chuyển đổi số, sử dụng công nghệ và đổi mới-sáng tạo kỹ thuật số, và thúc đẩy giáo dục và chăm sóc đối với tất cả các nhóm dân cư.
Ước tính sẽ có khoảng 3.000 quan chức và nhà báo tới Thái Lan để tham dự và đưa tin về chuỗi sự kiện nói trên./.
Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)