Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên trong nước và quốc tế đã đặt câu hỏi với đại diện Hội đồng ABAC về các vấn đề mà Kỳ họp đặt ra. Trong đó, đáng chú ý là các vấn đề về giải pháp để các nhà lãnh đạo thành viên Hội đồng ABAC đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư, các giá trị mậu dịch mà APEC mang lại, những vấn đề được thảo luận thường niên….
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch ABAC 2017 cho biết: ABAC đã hoàn thành và đệ trình 20 khuyến nghị đến các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, trong đó tập trung vào 3 vấn đề chính, đó là đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo cũng như sự phát triển bền vững toàn cầu, trong đó hướng sự quan tâm đến doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; tập trung hoàn thành mục tiêu Bogor 2020.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Trong báo cáo thường niên của mình, ABAC đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại, trung chuyển đầu tư, những việc này sẽ được thảo luận trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo của ABAC với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Điều này sẽ giúp cải thiện đẩy mạnh thể chế, cũng như giúp các quốc gia thành viên đối diện với những hàng rào phi thuế quan, đẩy mạnh đầu tư xuyên thế giới cũng như nỗ lực đưa cam kết TPP thành hiện thực”.
Ông Dũng cũng cho biết: Chúng ta đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế toàn diện trong khu vực và trên toàn cầu. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và tổ chức OECD, kinh tế toàn cầu sẽ duy trì đà tăng trưởng 3,7% trong những năm tới. Tuy nhiên, để các nền kinh tế thành viên có thể duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo thì cải cách thể chế đóng vai trò quan trọng”. “ABAC cho rằng những cải cách về thể chế như cải cách tiền lương, đào tạo kỹ năng cũng như tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp chủ động điều chỉnh mình thích ứng với đà tăng trưởng của thế giới”- ông Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh thêm và khẳng định: ABAC luôn quan tâm đến vai trò của nền kinh tế số, tuy nhiên, ABAC cũng đưa ra các giải pháp để không để khoảng cách của nền kinh tế số ảnh hưởng đến nhóm người dễ bị tổn thương, đồng thời hoàn thiện các kỹ năng cho lực lượng lao động tương lai cũng như có hướng mở hơn về tự do pháp nhân. ABAC chú ý đến vấn đề đẩy mạnh trung chuyển dữ liệu xuyên biên giới cùng với đó là đảm bảo an toàn dữ liệu. ABAC cũng đề cập đến vấn đề giúp phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào các vấn đề kinh tế, nhấn mạnh hơn đến cam kết của cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo phát triển một châu Á – Thái Bình Dương tự do thương mại toàn diện.
Nói về những đệ trình của ABAC lên Hội nghị Cấp cao APEC lần này, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch ABAC 2017 cho biết: Sau 11 tháng làm việc trách nhiệm, với phiên họp tổng kết tại Đà Nẵng trong 3 ngày (từ 4 – 6/11), ABAC đã đệ trình lên các nhà lãnh đạo APEC 20 khuyến nghị, trong đó tập trung vào 3 khuyến nghị là đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo cũng như sự phát triển bền vững toàn cầu, trong đó hướng sự quan tâm đến doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; tập trung hoàn thành mục tiêu Bogor 2020.
Điều này tập trung vào việc đẩy mạnh thể chế cũng như đối diện với hơn những hàng rào phi thuế quan, đẩy mạnh khu vực mậu dịch tự do. Theo nhìn nhận của các đại diện Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC, quá trình tăng GDP toàn cầu diễn ra khá chậm so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Do đó, cần có hành động mạnh mẽ hơn để cải thiện thể chế, tiền lương, kỹ năng làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân khu vực. Các báo cáo còn đề cao những tiềm năng biến đổi của nền kinh tế kỹ thuật số, cũng như các lợi ích mạnh mẽ từ cuộc cách mạng này.
Liên quan đến vấn đề tự do thương mại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như các giá trị mậu dịch mà APEC mang lại, ông Anthony Nightingale, Chủ tịch ABAC Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, mậu dịch tự do là ưu tiên của các thành viên APEC. APEC đang nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa hội nhập kinh tế trong khu vực, mà xa hơn là hướng đến việc 21 nền kinh tế APEC có thể xây dựng được khu vực mậu dịch tự do Thái Bình Dương. APEC cũng sẽ cố gắng có những thỏa thuận mang tính chất đa phương, mang đến nhiều hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp trong APEC được liên kết mạnh mẽ hơn.
Đề cập đến kiến nghị đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, ông Anthony Nightingale cho biết: Sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều lần tại Hội nghị lần này. Chúng tôi rất muốn trang bị cho đối tượng doanh nghiệp này nhận thức tốt hơn về lợi nhuận từ nền kinh tế mạng, kinh tế số, tiếp cận tài chính. Chính vì vây, chúng tôi đã làm việc hết sức khẩn trương để đưa ra những gì có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Và theo đó, nhóm Tài chính – Kinh tế cũng được thụ hưởng những lợi ích chia đều như những nhóm thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Khẳng định thêm về các đóng góp của nước chủ nhà Việt Nam lần này, đến tự do thương mại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như các giá trị mậu dịch mà APEC mang lại. Ông Anthony Nightingale cho biết, trong 20 khuyến nghị trình cho các lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC lần này, Việt Nam kiến nghị 3 vấn đề về: Tiếp tục hội nhập sâu hơn trong khu vực, dỡ bỏ hàng rào bảo hộ làm sao tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp cận với nguồn tài chính, khoa học công nghệ và những tiến bộ về kỹ thuật số; APEC cần có tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo.
Ông Hoàng Văn Dũng (bên phải), Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch
Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ABAC Việt Nam 2017 trao đổi với báo chí tại buổi họp báo (ảnh: Đình Tăng)
Cũng liên quan đến các đóng góp của Việt Nam tại Kỳ họp lần này, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ABAC Việt Nam 2017 chia sẻ: Năm nay chúng ta cũng tập trung cho lĩnh vực công nghệ số, các dịch vụ công nghệ số. Đây là điều mà chúng ta quan tâm bởi vì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Đối với những thách thức khi gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, và rào cản tự do hóa thương mại, theo ông Dũng, càng giảm hàng rào phi thuế quan, hàng rào bảo hộ thì kinh tế trong khu vực sẽ phát triển. Nếu Việt Nam đóng cửa thì sẽ không phát triển được và doanh nghiệp cũng không thể “trưởng thành”. Chỉ có tiếp cận hội nhập, tiếp cận khoa học công nghệ thế giới thì Việt Nam mới phát triển và khi tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, người dân trong nước và doanh nghiệp chúng ta mới được hưởng lợi.
“Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) họp 4 lần trong một năm để xây dựng những khuyến nghị cho doanh nghiệp tham gia với chính phủ xây dựng chính sách kinh tế và đầu tư trong khu vực. Ở đây có cả đại diện doanh nghiệp lớn và cả doanh nghiệp nhỏ và vừa được khuyến khích góp tiếng nói chung cho khu vực tư nhân làm sao để đưa được những chính sách, những kinh nghiệm tốt nhất để thực thi chính sách cho hoàn hảo. Từ những chính sách của Chính phủ đi vào thực tiễn, để làm được việc đó phải có nội dung và phản biện của doanh nghiệp. Khi chính sách ra đời đúng hay không thì doanh nghiệp chịu tác động đầu tiên cũng như hưởng lợi”- ông Dũng cho biết.
Về những định hướng cho ABAC 2018, khẳng định với báo chí tại cuộc họp báo, ông David Toua, đồng Chủ tịch ABAC 2017, Chủ tịch ABAC 2018 cho biết: ABAC 2018 sẽ nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và vai trò của phụ nữ trong điều hành doanh nghiệp cũng như cho biết công bằng giới sẽ là vấn đề ưu tiên của APEC 2018 sẽ được tổ chức tại Papua New Guinea. ABAC 2018 sẽ tập trung trao đổi những vấn đề mang tính kế thừa của ABAC 2017 nhưng sẽ đảm bảo sự cân bằng hài hòa giữa việc trao đổi những vấn đề liên quan lớn đến sự phát triển của nước chủ nhà với sự những vấn đề của ABAC 2017 đã trao đổi./.
Nhóm Phóng viên APEC