Bên cạnh đó, tuyên bố trên cũng kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc gia tăng gấp đôi nỗ lực để thực thi trọn vẹn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra.
Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "bày tỏ quan ngại sâu sắc" trước động thái vốn có nguy cơ gây bất ổn nghiêm trọng tới an ninh của khu vực. Cơ quan này khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ các diễn biến tại Triều Tiên và "sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp mạnh hơn", song không cho biết chi tiết cụ thể.
Đây là lần thứ 4 kể từ đầu năm 2017 cho tới nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố lên án các hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Gần đây nhất, cơ quan quyền lực Liên hợp quốc đã ra tuyên bố nhằm phản ứng trước vụ thử tên lửa bất thành do Triều Tiên thực hiện tại vùng biển phía Đông của nước này vào ngày 22/3 vừa qua.
Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc Koro Bessho cho rằng, tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phát đi một “thông điệp thống nhất” rằng các hành vi khiêu khích của Triều Tiên sẽ không bao giờ được dung thứ.
Trong khi đó, việc Mỹ - nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã cũng quyết định không triệu tập phiên họp khẩn mà thay vào đó, ra thẳng tuyên bố báo chí để lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Diễn biến này không chỉ cho thấy lập trường thống nhất mà còn thể hiện một sự “phản ứng nhanh chóng” từ cơ quan quyền lực Liên hợp quốc trước hành vi khiêu khích lặp lại của Triều Tiên.
Ngoài biện pháp mang tính gia tăng sức ép về mặt chính trị từ phía cơ quan quyền lực Liên hợp quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa tuyên bố tiếp tục theo đuổi và siết chặt lệnh trừng phạt nhằm đáp trả các hành vi khiêu khích của Triều Tiên.
Ngày 7/4, chính phủ Nhật Bản quyết định gia hạn 2 trong số các biện pháp trừng phạt đơn phương của nước này nhằm vào Triều Tiên thêm 2 năm tới so với thời điểm dự kiến hết hiệu lực vào ngày 13/4 tới. Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục áp dụng lệnh cấm giao dịch thương mại với Triều Tiên, cấm toàn bộ các tàu chở hàng của Triều Tiên cập cảng nước này.
Phát biểu sau phiên họp Nội các ngày 7/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một bản nghị quyết toàn diện về vấn đề Triều Tiên, gồm cả các hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân mà nước này đang theo đuổi cũng như việc Triều Tiên bắt cóc các công dân Nhật Bản.
Trước đó, ngày 6/4, EU đã quyết định nới rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực đầu tư, công nghiệp vũ khí, không gian, dịch vụ máy tính, khoáng sản, hóa chất và lọc dầu của Triều Tiên. Đây được xem là phản ứng từ các nước trong khối trước điều được cho là “nguy cơ đe dọa” đối với khu vực từ vụ thử tên lửa đạn đạo do Triều Tiên thực hiện hôm 5/4.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt của EU cũng áp đặt ệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với thêm 4 công dân Triều Tiên, nâng tổng số các công dân Triều Tiên đang bị liệt tên vào bản danh sách đen này của EU lên 41 người. Tuy nhiên, cho đến nay, danh tính cụ thể của 4 công dân Triều Tiên trên vẫn chưa được công bố./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)