Ngày 22/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu nhất trí chấm dứt hoạt động của Ủy ban Bồi thường của Liên hợp quốc, cơ quan chịu trách nhiệm thu hồi hơn 50 tỷ USD của Iraq để đền bù thiệt hại cho Kuwait sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, các nước ủy viên Hội đồng Bảo an nhất trí kết luận rằng Ủy ban Bồi thường đã hoàn thành mục tiêu thu hồi đủ tiền của Iraq để bồi thường thỏa đáng cho Kuwait trong hơn 30 năm qua.
Nghị quyết do Anh soạn thảo nêu rõ Chính phủ Iraq từ nay không còn phải trích một số phần trăm nhất định từ doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu khí để nộp vào quỹ bồi thường này nữa.
Ủy ban Bồi thường của Liên hợp quốc đã thu hồi tổng cộng khoảng 52,4 tỷ USD của Iraq để trả cho Kuwait trong những năm qua và tới nay đã hoàn thành nhiệm vụ.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng Iraq Fouad Mohammad Hussein nhấn mạnh ngày 22/2 đã mở ra một trang mới trong lịch sử Iraq và Iraq mong muốn phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa với Liên hợp quốc trong thời gian tới.
Ủy ban Bồi thường của Liên hợp quốc được thành lập vào tháng 5/1991 theo Nghị quyết 692 của Hội đồng Bảo an nhằm quản lý khoản tiền mà Iraq buộc phải bồi thường chiến tranh cho Kuwait tương đương 5% thuế đối với doanh thu từ toàn bộ các sản phẩm dầu khí của Iraq.
Số tiền bồi thường này đã được phân phối tới các cá nhân, công ty, các cơ quan chính phủ và các tổ chức của Kuwait bị thiệt hại trong cuộc chiến tranh nổ ra sau khi các lực lượng Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein đưa quân vào quốc gia láng giềng hồi tháng 8/1990.
Đầu năm 1991, liên quân do Mỹ đứng đầu đã phát động cuộc chiến chống Iraq và đánh đuổi các lực lượng Iraq ra khỏi Kuwait.
Iraq đã phải gánh chịu rất nhiều lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc sau cuộc chiến tranh này./.
Hải Vân (TTXVN/Vietnam+)