Ngày 31/7, tại Pháo đài Peter và Paul ở thành phố Saint Petersburg, trước khi bắt đầu cuộc duyệt binh trọng thể kỷ niệm Ngày Hải quân Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Nga đã ký các văn bản quy định hoạt động của Hải quân Nga gồm Học thuyết Hải quân mới và Điều lệ Tàu của Hải quân Nga.
Văn kiện được công bố trên trang mạng của Điện Kremlin, có đoạn: “Để đảm bảo thực hiện chính sách hàng hải quốc gia của Liên bang Nga, tôi quyết định phê chuẩn Học thuyết Hàng hải của Liên bang Nga kèm theo đây. Xác nhận Học thuyết Hàng hải của Liên bang Nga số Pr-1210, được Tổng thống Liên bang Nga phê duyệt ngày 17/6/2015, không còn hiệu lực.”
Như vậy sau 7 năm, Nga đã sửa đổi Học thuyết Hải quân. Lần gần nhất văn bản này được điều chỉnh là khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea.
Phát biểu tại lễ duyệt binh, Tổng thống Putin khẳng định Liên bang Nga sẽ sử dụng tất cả các lực lượng và phương tiện của mình để bảo vệ biên giới trên biển. Nga sẽ đáp trả nhanh chóng mọi hành động xâm phạm chủ quyền và tự do của Liên bang Nga.
[Hải quân Nga tập luyện cho lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập]
Tổng thống Putin lưu ý rằng Học thuyết Hải quân mới phác thảo các biên giới của Nga, kể cả Bắc Cực và Biển Đen và thể hiện sẵn sàng bảo vệ vững chắc và bằng mọi cách các đường biên giới này.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cam kết Hải quân nước này sẽ nhận được hệ thống tên lửa siêu âm Zircon tiên tiến trong những tháng tới. Các hệ thống đầu tiên sẽ được trang bị cho khinh hạm "Đô đốc Gorshkov."
Tổng thống Putin nhấn mạnh một trong những ưu tiên quan trọng nhất “là đảm bảo an sinh cho các gia đình thủy thủ.”
Trước khi bắt đầu lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân Nga, Tổng thống Putin đã nói về vai trò của Sa hoàng Pyotr Đại đế trong lịch sử hình thành hạm đội Nga.
Ông nhấn mạnh rằng "dưới sự lãnh đạo của Pyotr Đại đế, Nga đã có được vị thế một cường quốc hàng hải, giành được uy tín và ảnh hưởng trên thế giới.
Tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Nga thời điểm đó Yuri Borisov, phụ trách tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga, cho biết về cơ bản, các nội dung mới của Học thuyết Hải quân liên quan đến việc chuẩn bị động viên và sẵn sàng động viên.
Văn kiện được thông qua trong bối cảnh “cuộc chiến tổng lực lồng ghép của tập thể phương Tây” chống lại Nga, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các lệnh trừng phạt.
Ông Borisov cũng nói việc điều chỉnh Học thuyết Hải quân có tính đến sự thay đổi của tình hình địa chính trị và chiến lược quân sự trên thế giới, tuy nhiên nội dung của học thuyết không nhằm đối đầu, mà nhằm củng cố an ninh quốc gia của Nga./.
Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)