Hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực Eurozone giảm mạnh 

(ĐCSVN) – Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index (PMI) ngành sản xuất kinh doanh của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm mạnh từ 44,5 điểm của tháng 3 về 33,4 điểm trong tháng 4 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19...
Hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực Eurozone giảm mạnh

Chỉ số PMI mới nhất do hãng IHS Markit công bố ngày 4/5 cho thấy các nền kinh tế Khu vực Eurozone đã suy giảm xuống mức thấp "chưa từng thấy". Kết quả này thấp hơn so với mức thống kê sơ bộ trước đó được IHS Markit đưa ra là 33,6 và thấp hơn nhiều so với ngưỡng 50 điểm. Nếu chỉ số PMI xuống dưới 50 điểm, nền kinh tế đó bị đánh giá là đang suy giảm các hoạt động kinh tế.

Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 3,5 triệu người lây nhiễm, khoảng 247.000 ca tử vong vì dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Nhiều quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu người dân ở trong nhà để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến hoạt động kinh tế giảm mạnh và chuỗi cung ứng cũng bị gián đoạn.

Theo nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, ông Chris Williamson, các số liêu trên cho thấy, hoạt đông sản xuất Khu vực Eurozone đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong gần 23 năm qua do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm việc đóng cửa hoạt động của nhà máy trên phạm vi rộng, nhu cầu sụt giảm mạnh và sự thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh tháng 4 tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản đều bị giảm mạnh khi Chính phủ thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.Theo khảo sát, chỉ số PMI giảm mạnh nhất Khu vực Eurozone xảy ra tại các quốc gia Hy Lạp, Tây ban Nha, Italy, Pháp và Hà Lan.

Sự sụt giảm này diễn ra bất chấp chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng với các gói kích thích tài khóa lớn chưa từng có tiền lệ từ Chính phủ các quốc gia nhằm giúp vực dậy nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây ra.

Dịch COVID-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 4. Nhu cầu tiêu dùng thấp đã buộc các nhà máy phải giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu lao động ở mức cao kỷ lục để duy trì hoạt động.

Theo ông Christ William, thậm chí khi các quốc gia dần gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, tạo hy vọng cho các nhà sản xuất về sự phục hồi trong tháng 5 thì bất kỳ sự tăng trưởng nào cũng sẽ chỉ ở mức khiêm tốn.

“Thậm chí khi các doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, từng bước đảm bảo an toàn cho người lao động thì công suất cũng chỉ vận hành ở mức thấp giữa bối cảnh nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm đáng kể”, ông William cho hay.

Việc Chính phủ các nước đã đóng cửa nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là điều cần thiết nhưng để lại những tác động tiêu cực khó tránh, khiến hoạt động của nhiều cơ sở kinh doanh gần như bị "san phẳng". Nhiều lĩnh vực vượt qua ngưỡng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.

Theo kết quả khảo sát chỉ số PMI do IHS Markit công bố ngày 1/5 cho thấy, hoạt động sản xuất của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 4 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm kể từ cuộc khảo sát vào đầu năm 2009 do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Theo đó, chỉ số PMI tháng 4 của Mỹ đo được ở mức 36,9 điểm giảm so với số liệu khảo sát cuối cùng được thực hiện trong tháng 3 ở mức 48,5 điểm.

“Mức sụt giảm PMI là tín hiệu cơ sở bổ sung để dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm kỷ lục trong quý II/2020”, chuyên gia kinh tế Chris Williamson nhận định./.

 
Hoài Hà (Theo Reuters, AFP)
143 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1004
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1004
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87210549