Hoàn thiện quy định về vũ khí, ngăn ngừa các nguy cơ tiềm ẩn 

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) bổ sung các quy định về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Xuân Tùng

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được Quốc hội thông qua đã góp phần hoàn thiện pháp luật, ngăn ngừa các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Dao có tính sát thương cao là vũ khí

Luật quy định dao có tính sát thương cao thuộc nhóm vũ khí thô sơ làm căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao để gây án; đồng thời quy định cũng bảo đảm phù hợp hơn và không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án. Trong đó, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao làm công cụ, phương tiện gây án chiếm tỷ lệ rất cao; lực lượng chức năng phát hiện 27.161 vụ, bắt giữ 46.693 đối tượng (chiếm 94,5% tổng số vụ, 92,8% tổng số đối tượng).

Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao, lực lượng chức năng phát hiện 16.841 vụ, bắt giữ 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng).

Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao, gây án với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Thực tế điều tra các vụ án cho thấy chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 không quy định dao là vũ khí.

Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Luật nêu rõ, dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, được quy định là vũ khí thô sơ nếu sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ.

Trường hợp dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, được quy định là vũ khí quân dụng.

Để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung khoản 6 Điều 2 giải thích từ ngữ "dao có tính sát thương cao."

hung khi.jpg

Tang vật hung khí của các đối tượng trong một vụ án. (Ảnh: TTXVN phát)

Trên cơ sở giải thích từ ngữ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định 3 chế độ quản lý "dao có tính sát thương cao" gắn với mục đích sử dụng.

Cụ thể, trường hợp sử dụng "dao có tính sát thương cao" phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng "dao có tính sát thương cao" vào mục đích vi phạm pháp luật.

Theo đó, Chính phủ căn cứ quy định của luật này để quy định việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển "dao có tính sát thương cao."

Trường hợp sử dụng "dao có tính sát thương cao" nhằm thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, thì quy định là vũ khí thô sơ (điểm b khoản 4 Điều 2).

Trường hợp sử dụng "dao có tính sát thương cao" với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, thì quy định là vũ khí quân dụng (điểm d khoản 2 Điều 2).

Để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát quy định của Bộ luật Hình sự có liên quan đến vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng để thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về hành vi phạm tội liên quan đến dao có tính sát thương cao khi luật có hiệu lực thi hành.

Quy định về các loại súng gắn với mục đích sử dụng

Đối với quy định về súng, cũng theo báo cáo của Bộ Công an, qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cho thấy, trong tổng số 2.113 vụ/3.135 đối tượng sử dụng trái phép các loại súng gây án có 1.783 vụ/2.589 đối tượng sử dụng các loại súng tự chế gây án (gấp 6 lần số vụ, 5 lần số đối tượng so với sử dụng trái phép súng quân dụng), nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng.

Nhưng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành thì một số vũ khí được xác định là súng săn (súng kíp, súng hơi), một số là vũ khí thể thao (súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng bắn đĩa bay), nhiều loại súng tự chế chưa được quy định trong Luật.

Bên cạnh đó, khi đối tượng chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại súng này chỉ bị xử lý hình sự theo Điều 306 Bộ luật Hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích; mặt khác, việc sử dụng nhiều loại súng như súng nén khí, súng bắn đạn bi... chưa có chế tài xử lý.

kon_tum_van_dong_nhan_dan_giao_nop_vu_khi_tu_che.jpg

Người dân tự nguyện giao nộp vũ khí tại đồn Biên phòng Ia Đal, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Vì vậy, cần thiết quy định bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và vũ khí thô sơ vào nhóm vũ khí quân dụng khi gắn với mục đích sử dụng.

Do đó, luật đã quy định về "vũ khí quân dụng" bao gồm các loại vũ khí được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng thi hành công vụ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành; vũ khí khác không thuộc danh mục vũ khí quân dụng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, nhưng có khả năng gây sát thương tương tự như súng quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 3 và linh kiện cơ bản để tạo nên các loại súng này.

Cùng với đó là các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành và dao có tính sát thương cao nhằm mục đích sử dụng để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật.

Như vậy, với quy định giải thích từ ngữ "vũ khí quân dụng," tùy theo hành vi và tội danh cụ thể, người sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc "dao có tính sát thương cao" để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác, thì có thể bị xử lý hình sự về tội danh liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng (theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự) hoặc bị áp dụng tình tiết tăng nặng liên quan đến sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện hành vi phạm tội./.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

Với 459 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 94,44%), sáng 29/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

47 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 858
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 858
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87200420