Hoàn thiện kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp 

(QT) - Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Trung ương cùng với một số chính sách ưu đãi nên tỉnh Quảng Trị đã xây dựng hoàn thiện Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt (KTTMĐB) Lao Bảo, các Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang và Khu du lịch biển... Cùng với đó, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 16/9/2015 với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị cũng như phát huy vai trò, lợi thế của Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) đã tạo ra những cơ hội mới, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Quảng Trị.

Những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư đồng bộ, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông... và tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp đến với địa phương. Hiện nay Quảng Trị có 2 khu kinh tế là Khu KTTMĐB Lao Bảo và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (đang trong giai đoạn xây dựng) cùng 3 khu công nghiệp rải đều trên các địa phương trong tỉnh. Ông Trần Đức Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Xác định cơ sở hạ tầng giao thông là vấn đề cốt lõi để thu hút nhà đầu tư, những năm qua, Quảng Trị đã tập trung nguồn lực vào việc xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông trọng yếu của tỉnh, đặc biệt là hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2016 đã có 38 công trình được đầu tư tại Khu KTMĐB Lao Bảo. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 495,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 434,5 tỷ đồng và ngân sách địa phương 61,3 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, Quảng Trị còn có 3 khu công nghiệp là Quán Ngang, Nam Đông Hà và Tây Bắc Hồ Xá. Trong đó, Khu công nghiệp Nam Đông Hà có diện tích 99 ha đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đến chân hàng rào các nhà máy, bao gồm đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện phục vụ sản xuất, hệ thống cấp thoát nước. Tại Khu công nghiệp Quán Ngang với diện tích 205 ha, các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đã cơ bản hoàn thiện. Còn Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá nằm ở huyện Vĩnh Linh có diện tích 289 ha vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong giai đoạn 2011-2016, tổng số vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho 2 Khu công nghiệp Nam Đông Hà và Quán Ngang là 123,1 tỷ đồng. Nhìn chung, quá trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu về đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương”.

 

Riêng đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông, trong 5 năm trở lại đây, tỉnh đã hoàn thành 17 dự án xây dựng cơ bản với tổng vốn đầu tư 1.519,4 tỷ đồng. Đặc biệt là một số công trình hạ tầng quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu, cầu An Mô, đường nối cầu Đại Lộc với Quốc lộ 1A, đường biên giới từ xã Tân Long đến A Dơi... Với sự đầu tư bài bản, có tầm nhìn chiến lược, Quảng Trị đã có hệ thống giao thông đồng bộ với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy. Ngoài Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc-Nam, Quảng Trị còn có tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9 gắn với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo chạy theo hướng Đông-Tây, là điểm đầu của EWEC tại Việt Nam hay cảng Cửa Việt đang được đầu tư nâng cấp để có thể đón tàu có trọng tải 5.000 đến 6.000 DWT. Cùng với đó, Cảng biển Mỹ Thủy đang được quy hoạch xây dựng để có thể đón tàu có trọng tải 50.000 DWT đến 100.000 DWT.

 

Song song với Quốc lộ 9, tuyến đường nối Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng Mỹ Thủy đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch, nhằm tạo động lực phát triển cho khu vực Đông Nam của Quảng Trị. Ngoài ra còn có dự án xây dựng sân bay ở Khu công nghiệp Quán Ngang đã được Bộ Giao thông-Vận tải trình Chính phủ xin bổ sung dự án này vào quy hoạch cảng hàng không nội địa. Trong quy hoạch chung, sân bay Quảng Trị được thiết kế để có thể đón các loại máy bay TR 200, Airbus 320, 321 với tổng mức đầu tư của dự án sân bay là khoảng 1.700 tỷ đồng Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, Khu kinh tế Đông Nam có lợi thế lớn về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Đây sẽ là khu vực kinh tế tổng hợp đa ngành có tính chất đột phá đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, du lịch, thương mại dịch vụ và là cảng biển lớn của vùng Trung Bộ.

 

Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã lập quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam bao gồm 6 khu chức năng: Khu công nghiệp, khu hành chính, khu dân cư, khu du lịch, khu dịch vụ, khu cảng Mỹ Thủy. Trong đó, Khu kinh tế có diện tích 237,92 km2 , nằm trọn trong 17 xã, thị trấn dọc ven biển các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh. Đối với dự án cảng Mỹ Thủy, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm định. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, được quy hoạch xây dựng với diện tích 955 ha. Dự kiến khi đi vào hoạt động, cảng có thể đón tàu trọng tải 50.000 DWT đến 100.000 DWT. Hiện tỉnh đã hoàn thành quy hoạch khu trung tâm với diện tích 11.469 ha. Trong đó, tập trung kêu gọi các dự án động lực như cảng biển Mỹ Thủy, cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, sân bay Quảng Trị, tuyến đường nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng Mỹ Thủy, hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Đông Nam, Nhà máy nhiệt điện 1.200 MW…

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã chuẩn bị đầu tư 2 khu tái định cư tại xã Hải An và xã Hải Khê để phục vụ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Cùng với việc hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu nhằm đón đầu các dự án đầu tư, tỉnh cũng đã thể hiện quyết tâm trong tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng nhanh nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Ông Cao Thanh Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị cho biết: “Hiện nay cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp đã được tỉnh Quảng Trị đầu tư rất tốt, hệ thống điện, đường, nước, cơ sở hạ tầng khá đồng bộ và đảm bảo đã giúp doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Ngoài ra cần phải kể đến sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành và các địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục để cấp đất trồng rừng nguyên liệu.

 

Vì vậy doanh nghiệp chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng dây chuyền 2, nhà máy sản xuất gỗ ván MDF tại Khu công nghiệp Quán Ngang với công suất 120.000 m3 sản phẩm/năm hiện nay đang nhà máy vận hành thuận lợi.” Để trở thành địa phương phát triển năng động, là động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Trị cần huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Bên cạnh đó, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, ưu tiên các tuyến đường giao thông quan trọng, cơ sở hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và khu du lịch, nhằm thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt là đẩy nhanh phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành trung tâm công nghiệp, chế biến nông- lâm sản, năng lượng, thương mại du lịch, cảng biển lớn của vùng Trung Bộ, tạo tiền đề để thu hút đầu tư, nhất là nguồn đầu tư nước ngoài đến với Quảng Trị.

 

Tân Nguyên

 
 
1639 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 900
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 900
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87055861