|
Đầu tư dây chuyển công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường tại Công ty xi măng Bỉm Sơn, chi nhánh Quảng Trị
|
Những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách phát triển DN chung của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, phát triển DN, trong đó có chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Tỉnh cũng đã thành lập quỹ hỗ trợ các DN phát triển KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bằng nguồn vốn từ Quỹ phát triển KH&CN tỉnh, Sở KH&CN đã tiến hành hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Tổng số DN được hỗ trợ và cho vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ từ năm 2011 đến nay là 52 DN với tổng số vốn hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ theo Quyết định 1439/QĐ-UBND là 43 DN được hỗ trợ 1,764 tỷ đồng và cho vay lãi suất thấp theo Quyết định 2838/QĐ- UBND là 9 DN vay 3 tỷ đồng.
Các lĩnh vực được hỗ trợ như: Ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến; đổi mới công nghệ, hoàn thiện công nghệ hoặc cải tiến công nghệ đã có; xác lập quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp ở trong và ngoài nước gồm thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị nhãn hiệu, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa gồm: Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tham gia các giải thưởng chất lượng; tư vấn mua công nghệ, giám định công nghệ, tư vấn đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ, tư vấn kiểm toán năng lượng, tư vấn nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới…
Cùng với việc hỗ trợ, Sở KH&CN triển khai cho vay vốn từ Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh như: Dự án nghiên cứu tạo ra công nghệ mới hoặc ứng dụng công nghệ mới do trong nước sản xuất có chi phí thấp đạt trình độ tương đương hoặc cao hơn để thay thế công nghệ nhập khẩu cùng loại phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của tỉnh; dự án xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế… Đi đôi với việc hỗ trợ, cho vay đổi mới ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, Sở KH&CN còn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp để từ đó DN chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đầu tư cũng như lựa chọn những công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá cả các loại công nghệ...
Anh Từ Linh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Từ Phong, huyện Cam Lộ cho biết: “Trước đây lúc chưa được hỗ trợ, công ty mới đi vào hoạt động, ép sản phẩm bằng các máy ép thủ công, công suất thấp, chất lượng không đảm bảo. Sau khi được hỗ trợ cùng với vốn tự có công ty đã đầu tư mua sắm các loại máy ép dầu lạc hiện đại cho sản phẩm tinh khiết hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm dầu lạc của công ty được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Công ty ngày càng mở rộng được thị trường sản phẩm, doanh thu bán hàng tăng lên, góp phần quan trọng trong tiêu thụ lạc cho nông dân. Hiện nay, công ty đang được Sở KH&CN hỗ trợ xây dựng dự án chuỗi sản xuất hữu cơ khép kín từ xây dựng vùng nguyên liệu cho tới sản phẩm công nghiệp chế biến nhằm tạo ra sản phẩm sạch, nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng. Dự kiến dự án sẽ được triển khai vào năm 2018. Đây là cơ hội để doanh nghiệp đổi mới ứng dụng công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất của công ty, góp phần đưa công ty phát triển, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động ở địa phương”.
Việc hỗ trợ DN đổi mới công nghệ đã tạo được bước tiến mới, nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm được cải tiến, một số sản phẩm mới ra đời làm phong phú thêm chủng loại hàng hóa và mở rộng thị trường hàng hóa cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn như: Hiện có nhiều DN vẫn chưa nắm được nội dung của chính sách hỗ trợ. Các DN trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đòi hỏi lao động phải có tay nghề và trình độ kỹ thuật ngày càng cao trong khi đội ngũ lao động không đáp ứng được. Một số thủ tục về tài chính còn phức tạp khiến các DN phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Kinh phí hỗ trợ còn ít chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và cải tiến KH&CN của các DN. Một số cơ chế đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN còn chưa khuyến khích các DN tham gia. Do chưa nắm bắt được hiện trạng công nghệ của nhiều DN trên địa bàn ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KH&CN còn chưa hiệu quả nên thiếu định hướng lâu dài cho chính sách hỗ trợ. Phạm vi hỗ trợ theo Quyết định của UBND tỉnh thì lớn nhưng kinh phí hàng năm hạn chế nên khó khăn trong việc phân bổ kinh phí cho các DN có nhu cầu...
Từ những khó khăn, vướng mắc đó, để chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ triển khai có hiệu quả trong thực tiễn, tỉnh cần sớm ban hành và phê duyệt các chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn và có sự cam kết tham gia của các DN; tăng vốn cho các chính sách hỗ trợ và cho vay thông qua Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, vì hiện tại quỹ chỉ có 3 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu vay vốn đổi mới công nghệ của DN và so với quy định tối thiểu (5 tỷ đồng). Các DN cần nắm bắt nhiều thông tin về chính sách cũng như nguồn vốn và thông tin công nghệ tiên tiến, hiện đại để có thể đầu tư đổi mới phù hợp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Năm 2017, công tác hỗ trợ DN đổi mới công nghệ tiếp tục được thực hiện và đạt được những kết quả đáng kể. Những hỗ trợ tuy chưa lớn nhưng đã kịp thời động viên DN nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Võ Thái Hòa
|