Hiệu quả từ công tác dạy nghề cho nông dân 

(QT) - Với chức năng, nhiệm vụ được giao, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, trong hơn 10 năm qua, cùng với việc thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với thực tế và nhu cầu của nông dân. Nhờ những kiến thức đã học, nông dân trong tỉnh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nhận thấy trên địa bàn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, từ năm 2014, ông Lê Đức Quang Huy ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh đã mạnh dạn vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh 50 triệu đồng cộng với vốn của gia đình đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp. Với diện tích 5 ha, ông dành một phần trồng rừng, phần còn lại trồng cao su và tận dụng phần đất thấp trũng đào hồ nuôi cá, còn trên bờ xây chuồng trại nuôi lợn nái, lợn sinh sản và nuôi thêm gà thả vườn. Bằng phương thức lấy ngắn nuôi dài, áp dụng những kiến thức đã học qua các lớp tập huấn, các loại cây trồng, vật nuôi đều phát triển tốt. Bước đầu mô hình của ông Huy đã đem lại thu nhập ổn định và trong tương lai khi rừng và cao su đưa vào khai thác, nguồn thu còn lớn hơn nữa.

 

Còn ở xã Hải Tân, một xã nằm trong vùng úng trũng của huyện Hải Lăng, điều kiện sản xuất, chăn nuôi rất khó khăn nhưng nhờ chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân tích cực tuyên truyền, vận động và tập trung hỗ trợ, mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, nâng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 76 triệu đồng, nâng thu nhập bình quân đầu người hiện tại đạt trên 26 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%. Điển hình như ông Trần Đăng Phúc, nhận thấy dọc theo hệ thống kênh mương trên cánh đồng HTX có vùng đất rộng khoảng 0,5 ha lâu nay bỏ hoang, năm 2015 ông đã có ý tưởng biến diện tích hoang hóa này thành mô hình kinh tế để tạo thêm thu nhập cho gia đình.

 

Được sự nhất trí của chính quyền địa phương và HTX, ông đã đầu tư nguồn kinh phí gần 160 triệu đồng cải tạo, thuê máy múc đất, tạo hồ trồng sen và thả cá, số đất múc lên ông làm nền cao và xây dựng một dãy chuồng nuôi lợn tránh lũ. Qua 2 năm thực hiện cho thấy những kiến thức học được lâu nay khi ông áp dụng vào thực tế đã mang lại hiệu quả cao, thu nhập từ sen, cá và lợn trên 100 triệu đồng. Từ năm 2006 đến nay, hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh đã được Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào trong thực tế, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nhiều hộ đã thoát nghèo và không ít hộ đã trở nên giàu có.

 

Ông Võ Hữu Lắm, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho biết, hơn 10 năm qua, cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, thiết bị, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, trung tâm đã tuyển sinh và tổ chức dạy nghề 152 lớp với gần 4.600 người tham gia với nhiều ngành nghề phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nông dân ở các vùng, miền như sản xuất lúa chất lượng cao, chăn nuôi thú y, trồng hoa, trồng nấm, trồng rau an toàn, trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê, hồ tiêu, cao su, nấu ăn, sửa chữa máy nông- ngư nghiệp, kỹ thuật xây dựng, may công nghiệp. Sau khi học nghề, nông dân đã áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích hoặc một chu kỳ sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập và có điều kiện để tạo sinh kế bền vững.

 

Quá trình triển khai, trung tâm đã phân loại, vừa đào tạo ngắn hạn vừa đào tạo dài hạn và chỉ đạo đội ngũ giáo viên đổi mới cách soạn giáo án, thay đổi phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực hành. Trong đó chú trọng về cơ sở mở các lớp dạy nghề tại chỗ, tổ chức thực hành tại đồng ruộng, vườn cây, tại công xưởng, tại các mô hình đã mang lại hiệu quả cao. Hiện nay tỉnh Quảng Trị đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân đang tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, vận động, hỗ trợ và đa dạng hóa các hình thức đào tạo, giúp cho người lao động có kiến thức, trình độ, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.

 

Bá Thuần

 

948 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 627
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 627
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78115861