Chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều
Chiều 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Tại phiên họp này, nhiều ý kiến phát biểu đều đề cập đến tình trạng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải điều chỉnh quá nhiều.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế: hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa cao, còn nhiều dự án phải xin điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trình quá trình trình các dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế; việc tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản trong một số trường hợp chưa nghiêm.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh, một trong những hạn chế trong việc lập, triển khai thực hiện Chương trình là vẫn phải điều chỉnh quá nhiều. Theo ông, từ kỳ họp thứ 2 đến nay, Chính phủ đã có 5 lần đề nghị điều chỉnh Chương trình”. Ông cũng chỉ ra chất lượng của một số dự án luật, pháp lệnh được trình còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc gửi hồ sơ, tài liệu về nhiều dự án vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định mặc dù đã có đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên.
Về nguyên nhân, Chính phủ nhìn nhận nguyên nhân khách quan là một số dự án, pháp lệnh có nội dung mới, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện; việc thực hiện quy trình thủ tục theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều nội dung mới, nên quá trình thực hiện vẫn còn lúng túng.
Về nguyên nhân chủ quan là do một số cơ quan đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện Chương trình; chưa thực sự tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung cũng như tác động của chính sách trong dự án, dự thảo; việc giải trình chưa thực sự đầy đủ, thuyết phục...
Còn theo giải thích của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nguyên nhân tình trạng trên là “do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa được thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong công tác soạn thảo, trình dự án luật, pháp lệnh; ý thức trách nhiệm và kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật còn chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với nhau, giữa cơ quan của Quốc hội với các cơ quan soạn thảo dự án có lúc còn chưa thật sự hiệu quả do thiếu thông tin qua lại”.
Đề xuất lùi thời gian trình 4 dự luật
Theo Tờ trình của Chính phủ, về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chính phủ đề nghị: Trình Quốc hội sớm trước một kỳ họp đối với 02 dự án luật (Luật Đo đạc và bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp); Lùi thời gian trình 04 dự án luật (Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện); Bổ sung mới vào Chương trình 04 dự án luật (Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) và 01 dự thảo nghị quyết (Nghị quyết của Quốc hội về Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp).
Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Chính phủ đề nghị đưa 21 dự án luật vào Chương trình năm 2018. Trong đó, tại kỳ họp thứ 5: thông qua 09 dự án luật, cho ý kiến 08 dự án luật (chưa bao gồm dự án Luật Hành chính công - là dự án do đại biểu Quốc hội trình và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019). Tại kỳ họp thứ 6: thông qua 09 dự án luật, cho ý kiến 03 dự án luật.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời gian trình 4 dự án Luật. Tán thành đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện ra khỏi Chương trình và đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu, soạn thảo lại và sẽ xem xét, bổ sung vào Chương trình sau khi dự án được chuẩn bị xong, bảo đảm chất lượng.
Đồng thời tán thành chuyển dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Tuy nhiên có thông qua ngay trong kỳ họp thứ 4 hay không sẽ do Quốc hội quyết định khi xem xét nội dung cụ thể của dự án.
Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường vào Chương trình kỳ họp thứ 4, nhưng Quốc hội sẽ quyết định cụ thể việc thông qua dự án ngay tại kỳ họp này hay tại kỳ họp tiếp theo căn cứ vào nội dung, chất lượng chuẩn bị dự án. Đồng thời không thay đổi thời gian trình dự án Luật Đo đạc và bản đồ do UBTVQH đã có ý kiến đề nghị Chính phủ giữ nguyên như Chương trình Quốc hội đã thông qua.
Về việc bổ sung dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời gian thực hiện khoản 1 Điều 79 của Luật Công chứng, cơ quan thẩm tra đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định việc có bổ sung các dự án này vào Chương trình kỳ họp thứ 3 hay không căn cứ vào nội dung và chất lượng chuẩn bị cụ thể của từng dự án mà Chính phủ trình tại phiên họp này; trường hợp không chuẩn bị kịp thì đề nghị chuyển sang Chương trình kỳ họp thứ 4.
Về dự kiến Chương trình năm 2018, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc đưa các dự án vào Chương trình năm 2018. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định phân tích, theo đề nghị của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 5 sẽ có 05 dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Quốc phòng và An ninh là quá nhiều. Bởi vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị tại kỳ họp thứ 5 sẽ ưu tiên trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vì đây là 02 dự án đã bị lùi thời gian trình trong năm 2017 và cho ý kiến về dự án Luật Công an xã (cũng là dự án đã có trong Chương trình năm 2017 nhưng xin lùi thời gian trình); tại kỳ họp thứ 6 sẽ trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật An ninh mạng (được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4), Luật Công an xã và cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển. Như vậy tại mỗi kỳ họp, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đều sẽ phụ trách 03 dự án (gồm 02 dự án luật thông qua, 01 dự án luật cho ý kiến).
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị áp dụng quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại 2 kỳ họp Quốc hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, UBTVQH thống nhất điều chỉnh tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội sẽ thông qua 15 dự án luật và Nghị quyết của Quốc hội về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cho ý kiến vào 5 dự án luật; tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ thông qua 6 dự án luật, cho ý kiến 11 dự án luật.
Cũng trong chiều nay, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu.
Sau đó, UBTVQH đã bế mạc phiên họp thứ 9./.
Kim Thanh