Trong cuộc bỏ phiếu ngày 1/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết dỡ bỏ những quy định hạn chế cuối cùng đối với các hoạt động chuyển giao vũ khí cho Chính phủ Somalia và các lực lượng an ninh của nước này, hơn 30 năm sau khi lệnh cấm vận vũ khí đầu tiên được áp đặt đối với quốc gia Đông Phi này.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 ủy viên đã chấp thuận 2 bản dự thảo nghị quyết do Anh đưa ra về dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí toàn diện đối với Somalia và tái áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với nhóm phiến quân Al-Shabaab có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Nghị quyết đầu tiên khẳng định “không có bất kỳ lệnh cấm vận vũ khí nào đối với Chính phủ Cộng hòa Liên bang Somalia," song vẫn bày tỏ quan ngại về số lượng các cơ sở cất trữ đạn dược an toàn tại quốc gia Đông Phi, đồng thời khuyến khích hoạt động xây dựng, khôi phục và sử dụng các kho đạn an toàn trên khắp đất nước Somalia.
EU cho biết các thiết bị được cung cấp theo Cơ chế Hòa bình châu Âu nhằm tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang Somalia cho quá trình chuyển đổi an ninh để đối phó với nhóm al-Shabaab.
Phản ứng trước nghị quyết trên, Đại sứ Somalia tại Liên hợp quốc Abukar Dahir Osman chia sẻ: “Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí tạo điều kiện để chúng tôi đối phó với các mối đe dọa an ninh… Nghị quyết cũng cho phép chúng tôi nâng cao năng lực của các lực lượng an ninh Somalia nhờ cơ hội tiếp cận các loại vũ khí và thiết bị sát thương để bảo vệ tốt các công dân và đất nước chúng tôi."
Năm 1992, Hội đồng Bảo an đã áp đặt lệnh cấm vận đối với Somalia để chặn đứng nguồn cung vũ khí cho giới quân phiệt - vốn tham gia cuộc lật đổ Nhà độc tài Mohamed Siad Barre và đẩy quốc gia thuộc vùng Sừng châu Phi vào vòng xoáy nội chiến./.