Ngày 28/3, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết ít nhất 480 người di cư đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Libya chặn bắt ngoài khơi nước này trong vòng 48 giờ qua.
Những người này nằm trong số 4.500 người đã được đưa trở lại quốc gia Bắc Phi kể từ đầu năm 2021 sau khi cố gắng vượt qua Địa Trung Hải để đến châu Âu. Khoảng 310 người đã được đưa vào bờ trong tối 27/3 (theo giờ địa phương) và thêm 173 người khác bị bắt lại vào ngày 28/3.
[Tổ chức từ thiện Đức giải cứu gần 150 người di cư ngoài khơi Libya]
Trong những năm sau cuộc chính biến do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn lật đổ nhà độc tài Moammar Gahdafi vào năm 2011, Libya đã trở thành một điểm trung chuyển chính cho những người di cư châu Phi và Trung Đông chạy trốn chiến tranh và nghèo đói.
Những kẻ buôn người thường đưa những gia đình tị nạn lên những chiếc thuyền cao su không được trang bị an toàn để băng qua Địa Trung Hải tới châu Âu.
Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya và các nhóm địa phương để ngăn chặn các vụ vượt biển trái phép.
Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền cho rằng chính sách này đã khiến những người di cư phải chịu sự xâm phạm từ các nhóm vũ trang, hoặc bị giam giữ, lạm dụng trong các trại tập trung tồi tàn.
Hôm 19/1 vừa qua, một chiếc thuyền chở người di cư đến châu Âu đã bị lật ở Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Libya, khiến ít nhất 43 người thiệt mạng. Đây là thảm hoạ hàng hải đầu tiên trong năm 2021 liên quan đến những người di cư. Theo IOM, nạn nhân chủ yếu là nam giới đến từ các nước Tây Phi./.
Quang Trường (TTXVN/Vietnam+)