Các hãng hàng không châu Âu lo ngại có thể mất lợi thế tranh cạnh trước các hãng đối thủ do phải áp dụng các quy định giảm khí thải của Liên minh châu Âu (EU).
Gói quy định mang tên "Fit for 55" đặt mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải ròng gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030, và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.
Quy định này yêu cầu sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) pha trộn với nhiên liệu hóa thạch trong tất cả các chuyến bay khởi hành từ sân bay châu Âu. SAF đến từ các nguồn như chất thải rắn đô thị, sản phẩm dư thừa từ ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, dầu ăn đã qua sử dụng, hoa màu và thực vật, và năng lượng hydro.
Những công nghệ này vẫn đang trong quá trình phát triển nên thành phẩm đắt đỏ. Điều này làm tăng chi phí của các hãng hàng không bắt buộc phải sử dụng SAF trong khi các hành khách sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các chuyến bay.
Các chuyên gia trong ngành cho biết các hãng hàng không đang phát triển ở châu Á và Trung Đông có thể hưởng lợi rất nhiều vì không phải chịu những quy định này.
Tại hội nghị hàng không châu Âu A4E ở Brussels (Bỉ) Carsten Spohr - Giám đốc điều hành của hãng hàng không Đức Lufthansa - cho biết một hãng hàng không bay từ Brussels đến Singapore có quá cảnh ở Paris thì phải trả tín dụng khí thải carbon cho chặng châu Âu. Nếu chuyến bay đó quá cảnh ở Doha thì hãng không cần phải trả tiền mua tín dụng khí thải và cũng không phải pha trộn SAF và nhiên liệu truyền thống.
[Hàng không Mỹ và châu Âu trước những cơ hội khi Trung Quốc mở cửa]
Giám đốc điều hành tạm thời của A4E Laurent Donceel cho biết Fit for 55 sẽ làm tăng chi phí của các hãng hàng không thêm 577 tỷ euro (629 tỷ USD) vào năm 2050.
Lượng khí thải CO2 của ngành hàng không đã được đưa vào hệ thống giao dịch tín dụng khí thải của EU kể từ năm 2012. Theo hệ thống này, tất cả các hãng hàng không hoạt động ở châu Âu - cả hãng có trụ sở châu Âu và ngoài châu Âu, phải theo dõi, báo cáo và xác minh lượng khí thải của họ.
Qatar đã đạt được thỏa thuận "bầu trời rộng mở" gây tranh cãi với EU nhằm tăng cường các chuyến bay giữa nước này và khối 27 quốc gia. Saudi Arabia có kế hoạch biến Riyadh thành một trung tâm hàng không khu vực khổng lồ như Dubai trong khi sân bay Istanbul - sân bay chính của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines, đã vượt qua sân bay Heathrow của London và Charles de Gaulle của Paris sau khi ghi nhận 64,3 triệu lượt khách vào năm ngoái.
Alain Battisti, cựu Chủ tịch Liên đoàn Hàng không Quốc gia Pháp, cho biết: "Istanbul là nơi lý tưởng để đi đến châu Á, châu Phi và Đông Âu."
Sân bay Istanbul có kế hoạch tăng gấp ba lưu lượng hành khách. Kadri Samsunlu, Giám đốc điều hành của sân bay Istanbul, cho biết biến đổi khí hậu và các quy định pháp lý đi kèm là không thể tránh khỏi. Các biện pháp quan trọng của EU sẽ khiến trung tâm của vận tải hàng không có thể dịch chuyển về phía Đông./.
Mai Ly (TTXVN/Vietnam+)